Ngón tay đeo nhẫn dài hay ngắn có quyết định khả năng được chữa khỏi hay tử vong khi mắc COVID-19 ở đàn ông hay không? - Ảnh: DAILY MIRROR
Tuyên bố này được các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Swansea (Vương quốc Anh) đưa ra trên tạp chí Early Human Development sau thống kê dữ liệu từ 200.000 người tại 41 quốc gia.
Theo đó, nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19 ở những người đàn ông có ngón đeo nhẫn dài chỉ bằng 1/3 so với người có ngón tay ngắn. Các triệu chứng bệnh cũng sẽ nhẹ hơn.
Các chuyên gia cho biết chiều dài ngón tay áp út được xác định bởi lượng testosterone mà thai nhi được tiếp xúc khi phát triển trong bụng mẹ.
Một bé trai khi được tiếp xúc với testosterone càng nhiều trong bụng mẹ thì ngón tay đeo nhẫn của họ khi trưởng thành sẽ càng dài.
Testosterone được cho là có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh COVID-19 bằng cách tăng nồng độ của enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2) trong cơ thể.
Virus corona xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng thông qua các thụ thể này, nhưng các nghiên cứu cũng cho thấy rằng mức độ cao của thụ thể ACE-2 trong cơ thể sẽ hỗ trợ hoạt động của phổi, giảm tổn thương tại cơ quan hô hấp.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, tỷ lệ tử vong vì COVID-19 đối với nam giới tại Anh là 97,5/100.000 người, trong khi ở nữ giới là 46,5/100.000.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy đàn ông có nhiều khả năng tử vong vì COVID-19 hơn phụ nữ, nhưng các nhà khoa học không thể xác định chính xác lý do tại sao.
Một trong những giả thuyết đặt ra rằng đàn ông ít rửa tay, ít tìm kiếm sự trợ giúp y tế và có nhiều tình trạng sức khỏe tiềm ẩn khiến họ dễ bị tổn thương hơn phụ nữ.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới này lại tập chung vào testosterone và cho rằng nó có thể là một trong những lý do chính tại sao rất nhiều người đàn ông chết vì COVID-19.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tỷ lệ đàn ông chết vì COVID-19 ở Malaysia, Nga và Mexico thấp hơn Vương quốc Anh, Bulgaria và Tây Ban Nha. Trung bình, đàn ông ở các quốc gia có ngón đeo nhẫn dài hơn có tỷ lệ tử vong là 2,7/100.000 và 4,9/ 100.000 đối với đàn ông ở các quốc gia có ngón đeo nhẫn ngắn hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới này vấp phải phản ứng của không chỉ giới khoa học mà còn của cả người dân khắp thế giới.
Lý do được được đưa ra là nghiên cứu chỉ trong phạm vi nhỏ và tỉ lệ tử vong do COVID-19 phụ thuộc rất nhiều yếu tố tại mỗi quốc gia khác nhau: điều kiện cơ sở hạ tầng, chất lượng y tế, khả năng tiếp cận thông tin phòng chống dịch, cũng như độ tuổi trung bình của người dân quốc gia đó.
Theo tuoitre