Hàng chục thanh niên mặc đồ đen, chỉ trích nhóm biểu tình bằng cách hô vang "Thud! Thud!" - âm thanh họ dùng để chế nhạo những nhà nữ quyền là "con lợn xấu xí".

"Nữ quyền là căn bệnh tâm thần! Hãy xóa bỏ những kẻ thù ghét đàn ông", họ hét lên.

Những cuộc biểu tình trên đường phố như vậy có thể bị coi là sự kháng cự cực đoan của một nhóm nhỏ. Tuy nhiên, sự chống đối với phong trào nữ quyền đang được khuếch đại trên không gian mạng với số người tham gia không hề nhỏ.

 
dan ong han quoc ghet nu quyen anh 1

Bae In-kyu, người đứng đầu nhóm chống nữ quyền Man on Solidarity, dẫn đầu một cuộc biểu tình ở Seoul vào cuối năm 2021.

Những người đàn ông này có thể nhắm mục tiêu vào bất kỳ điều gì liên quan đến nữ quyền. Họ buộc trường đại học phải hủy bài giảng của một phụ nữ mà nhóm cáo buộc "truyền bá hành vi sai trái".

Họ phỉ báng những phụ nữ nổi bật như VĐV An San, người giành 3 huy chương vàng ở Thế vận hội Tokyo, chỉ vì mái tóc ngắn của cô ấy.

Những người này còn đe dọa tẩy chay các doanh nghiệp sử dụng logo, quảng cáo có cử chỉ ngón tay mà theo họ là chế nhạo kích thước bộ phận sinh dục nam giới.

Gần đây, nhóm tiếp tục nhắm vào chính phủ vì chương trình nghị sự thúc đẩy nữ quyền, lời hứa cải cách Bộ Bình đẳng Giới và Gia đình 20 năm tuổi của đất nước.

Sự căm phẫn của nam giới trẻ tuổi

Bất bình đẳng là một trong những vấn đề tế nhị tại Hàn Quốc, quốc gia có nền kinh tế ngày càng bất ổn với giá nhà đất tăng cao, thiếu việc làm và chênh lệch thu nhập ngày một nới rộng.

Bae In-kyu (31 tuổi), người đứng đầu nhóm chống nữ quyền Man on Solidarity, cho biết: "Chúng tôi không ghét phụ nữ và cũng không phản đối việc nâng cao quyền của họ. Nhưng những người ủng hộ nữ quyền là một tệ nạn xã hội".

Nhóm dẫn đầu các cuộc biểu tình đường phố và điều hành một kênh YouTube với 450.000 người đăng ký. "Cho đến ngày tất cả những người ủng hộ nữ quyền bị tiêu diệt!" là phương châm của nhóm.

 
dan ong han quoc ghet nu quyen anh 2
dan ong han quoc ghet nu quyen anh 3

Nhiều thanh niên Hàn Quốc phản đối nữ quyền vì lo sợ bị mất cơ hội và gạt ra lề xã hội.

Hàn Quốc có khoảng cách về lương theo giới cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Chưa đến 1% quan chức nhà nước là phụ nữ. Nữ giới chỉ chiếm 5,2% thành viên hội đồng quản trị của các doanh nghiệp niêm yết công khai, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 28% ở Mỹ.

Thế nhưng, hầu hết đàn ông trẻ tuổi ở xứ kim chi cho rằng chính nam giới, chứ không phải phụ nữ đang bị đe dọa và bị gạt ra lề xã hội. Gần 80% đàn ông Hàn ở độ tuổi 20 nói họ là nạn nhân của phân biệt giới nghiêm trọng, theo một cuộc khảo sát hồi tháng 5/2021.

Kim Ju-hee (26 tuổi), người đã tổ chức các cuộc biểu tình lên án nhóm chống nữ quyền, cho biết: "Có một nền văn hóa coi thường nữ quyền trong các cộng đồng trực tuyến chủ yếu là nam giới, mô tả các nhà nữ quyền là những kẻ xấu xa cực đoan và gieo rắc nỗi sợ hãi cho họ".

Tại Hàn Quốc, “phụ nữ” và “nữ quyền” là hai trong số những mục tiêu phổ biến nhất của ngôn từ kích động thù địch trên mạng, theo Ủy ban Nhân quyền Quốc gia.

Khác biệt thế hệ

Những người đàn ông Hàn Quốc lớn tuổi thừa nhận được hưởng lợi từ một nền văn hóa gia trưởng đã đặt phụ nữ ra ngoài lề xã hội. Nhiều thập kỷ trước, khi Hàn Quốc thiếu mọi thứ, từ lương thực đến tiền mặt, con trai có nhiều khả năng được vào đại học hơn.

Trong một số gia đình, phụ nữ không được phép ăn cùng bàn với nam giới và các bé gái mới sinh được đặt tên là Mal-ja, hay “đứa con gái cuối cùng”. Phá thai theo sở thích giới tính là rất phổ biến.

Khi đất nước ngày càng phát triển, những tập tục kể trên đã dần được xóa bỏ. Nhiều gia đình hiện nay muốn có con gái. Nhiều phụ nữ đi học đại học hơn nam giới và họ có cơ hội lớn hơn tại nơi làm việc.

Oh Jae-ho, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Gyeonggi, nói: “Đàn ông ở độ tuổi 20 rất bất mãn, coi mình là nạn nhân của sự phân biệt đối xử ngược lại. Họ tức giận vì chính mình đang phải trả giá cho sự phân biệt đối xử về giới tính ở các thế hệ trước”.

 
dan ong han quoc ghet nu quyen anh 4

Đàn ông trẻ tuổi Hàn Quốc tức giận vì phải chịu hậu quả của sự phân biệt giới tính ở các thế hệ trước.

Nếu những người đàn ông lớn tuổi coi phụ nữ là cần được bảo vệ thì nam giới trẻ tuổi lại coi nữ giới là những đối thủ cạnh tranh trong một thị trường việc làm khốc liệt.

Những người chống nữ quyền thường cho rằng nam giới gặp bất lợi hơn vì mất thời gian hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ đã phải bỏ việc sau khi sinh con và đảm nhận phần lớn công việc gia đình.

Cuộc chiến giới tính cũng có thể thấy rõ trên đường đua vào Nhà Xanh của các ứng cử viên tổng thống. Với làn sóng phản đối nữ quyền mạnh mẽ như hiện tại, không ứng cử viên lớn nào lên tiếng vì quyền của phụ nữ.

Ngược lại, cách đây 5 năm, Tổng thống Moon Jae-in thậm chí tự gọi mình là “nhà nữ quyền” khi vận động tranh cử.

Yoon Suk-yeol, ứng cử viên tổng thống, đứng về phía phong trào chống nữ quyền khi cáo buộc Bộ bình đẳng giới coi đàn ông như “tội phạm tình dục tiềm năng”. Ông Yoon hứa sẽ có những hình phạt khắc nghiệt hơn nếu đàn ông bị buộc tội sai.

Tuy nhiên, ông Yoon cũng đã tuyển dụng một nhà lãnh đạo nổi tiếng của nhóm nữ quyền làm cố vấn vào tháng trước, một động thái nhằm xoa dịu nỗi lo rằng đảng của ông đã xa lánh các cử tri nữ.

Ứng cử viên Đảng Dân chủ Lee Jae-myung cũng đang cố gắng kêu gọi những người đàn ông trẻ tuổi. "Cũng như phụ nữ, nam giới không nên bị phân biệt đối xử vì giới tính của họ", ông Lee nói.

 
dan ong han quoc ghet nu quyen anh 5

Kim Ju-hee tổ chức các cuộc biểu tình lên án những người chống nữ quyền.

Những người ủng hộ quyền phụ nữ lo sợ rằng sự trỗi dậy của chủ nghĩa chống nữ quyền có thể xóa sổ những thành tựu mà Hàn Quốc đã đạt được trong vấn đề bình đẳng giới.

Trong những thập kỷ gần đây, quốc gia này đã đấu tranh để hợp pháp hóa việc phá thai và bắt đầu một trong những chiến dịch #MeToo mạnh mẽ nhất ở châu Á.

Lee Hyo-lin (29 tuổi) nói rằng “nữ quyền” đã trở thành một từ bẩn thỉu đến mức những phụ nữ để tóc ngắn hoặc mang theo cuốn tiểu thuyết của một nhà văn nữ quyền có nguy cơ bị tẩy chay.

Khi còn là thành viên của một nhóm nhạc K-pop, Lee thường nghe các đồng nghiệp nam nhận xét về cơ thể, chế nhạo mỗi khi cô tăng cân.

"Vấn đề #MeToo là một phần của việc trở thành phụ nữ ở Hàn Quốc. Bây giờ chúng tôi muốn lên tiếng, nhưng họ muốn chúng tôi im lặng", Lee nói.

Theo Zing