Đàn ông Trung Quốc rơi vào nợ nần do bị thách cưới quá cao
Cập nhật lúc 15:13, Thứ tư, 24/02/2021 (GMT+7)
Ở nhiều địa phương tại Trung Quốc, cô dâu được "đặt giá" dựa vào trình độ học vấn, công việc, nhan sắc. Không ít đàn ông phải vay nợ mới đủ tiền sính lễ khi cưới vợ.
Ngày 23/2, trang Weibo chính thức của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đưa tin về bé gái đã được "cha mẹ gả đi" bằng lễ đính hôn khi mới 15 tuổi. Đang là học sinh, hàng ngày sống cùng cha mẹ đẻ nhưng từ sau khi đính hôn, em sẽ phải tới nhà chồng làm việc lúc mùa màng bận rộn.
Đến lúc đủ tuổi kết hôn theo đúng luật pháp, nữ sinh này buộc phải làm đám cưới càng sớm càng tốt. Nếu hối hận và từ hôn, gia đình nhà gái sẽ phải bồi thường gấp đôi tiền sính lễ cho nhà trai.
Đó là câu chuyện phóng viên tìm hiểu được trong chuyến công tác tới một ngôi làng nghèo khó.
Thực tế, nạn tảo hôn với lễ vật đắt tiền để "đặt cọc vợ" vẫn còn phổ biến ở vùng sâu vùng xa ở Trung Quốc. Đa phần những cuộc hôn nhân này do cha mẹ sắp đặt, tạo nên bi kịch cho cuộc sống của nhiều bé gái.
|
Nhiều cuộc hôn nhân do cha mẹ hai bên sắp đặt, dựa vào tiền sính lễ để gả con đi. |
Thực trạng vay mượn tiền để cưới vợ khá phổ biến ở làng quê Trung Quốc.
Một chàng trai kể cha anh vừa mất, phải tốn 200.000 nhân dân tệ cho đám tang. Anh mới đưa cho nhà vợ tương lai 320.000 nhân dân tệ tiền sính lễ. Giờ đây, anh rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.
Phong tục ở một số nơi còn "ra giá" cho các cô dâu dựa trên nhan sắc, trình độ học vấn, nghề nghiệp và nhiều điều kiện khác. Với những nữ sinh viên mới tốt nghiệp, mức sính lễ thường là 800.000 nhân dân tệ.
Thực tế, dù hai người có yêu nhau, họ vẫn khó thoát khỏi gánh nặng về lễ vật đính hôn. Nhiều người chịu áp lực lớn khi muốn kết hôn phải có nhiều tiền.
Dù luật pháp đã có quy định cấm, cũng như các tổ chức phi chính phủ lên tiếng phản đối, thị trường "cô dâu trẻ con" và tục đưa lễ vật cao ngất ngưởng vẫn hiện hữu suốt thời gian dài do tư tưởng cổ hủ vẫn còn tồn tại, theo The Paper.
Theo Zing