Singapore đang kiểm soát tốt Covid-19 nhờ thành tích tiêm chủng ấn tượng. Ảnh: Straits Times
Từng nỗ lực không ngừng nghỉ truy vết từng ca nhiễm và ngăn chặn sự lây nhiễm, Singapore giờ đây đang xây dựng lộ trình "sống chung với Covid-19". Thay vì tập trung vào "miễn dịch cộng đồng", nước này xác định dịch bệnh khó biến mất nhưng có thể kiểm soát được như một căn bệnh ít nguy hiểm hơn, giống như cúm.
Theo Nikkei Asia, với cách tiếp cận này, Singapore sẽ trở thành "phòng thí nghiệm" cho phần còn lại của châu Á.
Với số ca nhiễm mới trong cộng đồng liên tục ở mức một con số, từ thứ Hai (12/7), Singapore bắt đầu nới lỏng một số biện pháp giới hạn. Lần đầu tiên trong vòng 2 tháng, nhà hàng được phép phục vụ nhóm 5 người, thay vì chỉ 2 người như trước.
Dù nhiều hạn chế vẫn giữ nguyên – chẳng hạn như đeo khẩu trang, khai báo y tế qua ứng dụng truy vết ở nơi công cộng, Chính phủ Singapore đang cân nhắc triển khai các chiến lược phục hồi tiếp theo nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao.
Thành tích tiêm chủng ấn tượng
Theo Bộ Y tế Singapore, tính đến ngày 10/7, khoảng 69% trong tổng số 5,7 triệu dân ở Singapore đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19, tăng gấp đôi so với 2 tháng trước. Tỷ lệ người đã tiêm đủ 2 mũi đạt 40%.
"Chúng tôi kỳ vọng 50% dân số sẽ tiêm 2 liều vắc xin trong tuần ngày 26/7", Nikkei Asia dẫn lời Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung trao đổi với các phóng viên hồi tuần trước, khẳng định Singapore hiện nay có đủ các nguồn cung vắc xin. "Đây là một dấu mốc quan trọng, chúng tôi có thể mở cửa hơn nữa", ông nhấn mạnh.
Trong khi đó, các nền kinh tế khác ở châu Á vẫn còn cả chặng đường dài nữa mới tiến đến mục tiêu mà Singapore đạt được hiện nay. Tính đến cuối tuần trước, tỷ lệ tiêm đủ liều vắc xin ở Nhật là 17%, ở Hàn Quốc là 11% và Indonesia là 5%. Một số quốc gia Đông Nam Á đang chống chọi với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng chưa từng có, khiến nhiều thành phố, chẳng hạn như Bangkok, phải phong tỏa trở lại.
Singapore đang nhanh chóng bắt kịp tốc độ của các nước phương Tây đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, như Mỹ (47%) và Đức (42%).
Israel là nước đầu tiên chạm mốc 60%. Tuy nhiên, số ca nhiễm mỗi ngày ở Israel trong thời gian gần đây đang dần tăng trở lại, từ mức một con số lên trên 500, chủ yếu do lây nhiễm giữa những người chưa tiêm. Tuy nhiên, số ca bệnh nghiêm trọng tăng không đáng kể, chỉ có 47 ca vào ngày 11/7.
"Đã có những dấu hiệu và tín hiệu từ những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, cho thấy chúng ta có thể kiểm soát Covid-19 thành một loại bệnh giống cúm mùa tính theo tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, nếu đạt được mức độ tiêm chủng cao cần thiết", Nikkei Asia dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong khẳng định tại một cuộc họp báo.
"Đó là lý do chúng tôi nghĩ chúng ta có thể tiến tới viễn cảnh SARS-CoV-2 được coi như cúm thông thường, và chúng ta sẽ có thể tiếp tục cuộc sống bình thường. Vì vậy, chính phủ đang chuẩn bị lộ trình hướng tới việc chuyển đổi sang kịch bản mới nói trên", ông Wong cho biết.
Lộ trình "sống chung với Covid-19"
Các nhà chức trách Singapore chưa công bố chi tiết, nhưng trên tờ Straits Times mới đây, các nhà chức trách nói rằng "sống bình thường với Covid-19" có nghĩa là một người mắc bệnh có thể điều trị tại nhà; mọi người có thể tự kiểm tra thường xuyên bằng các bộ xét nghiệm nhanh và đơn giản; các quy định về an toàn có thể được nới lỏng, và người dân có thể đi tới các nước ít có nguy cơ về dịch bệnh nếu có giấy chứng nhận tiêm chủng.
Hiện nay, một số chi tiết đã được áp dụng. Người dân có thể tìm mua bộ tự xét nghiệm Covid-19 tại các hiệu thuốc.
Temasek Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Quỹ đầu tư nhà nước Temasek Holdings, cũng bắt đầu phân phát miễn phí máy đo nồng độ oxy trong máu tới các hộ gia đình. Nồng độ ô xy trong máu giảm có thể là dấu hiệu nhiễm Covid-19.
Trong khi đó, Chính phủ Singapore cũng ngừng công bố thông tin chi tiết các ca mắc Covid-19. Trước đây, các chi tiết như độ tuổi và lịch trình di chuyển của từng bệnh nhân đều được thông báo.
Sự chuyển đổi thực sự sang "chung sống với Covid-19" sẽ giúp hồi sinh nền kinh tế sau mức giảm kỷ lục 5,4% của năm 2020. Dỡ bỏ các hạn chế sẽ mang lại cơ hội tốt cho ngành dịch vụ thực phẩm, tổ chức sự kiện - vốn chịu thiệt hại lớn vì bị hạn chế số lượng khách hàng.
Lo ngại còn đó
Nhưng trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh ở các nước láng giềng như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đang ngày càng phức tạp, việc Singapore khôi phục hoạt động đi lại giống như trước đại dịch sẽ cần nhiều thời gian hơn. Như thế có nghĩa là giao thông và du lịch của Singapore vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng, khiến chính phủ buộc phải xem xét lại mô hình phát triển.
Bên cạnh đó còn có nhiều lo ngại về bản thân virus gây Covid-19. Delta cùng nhiều biến thể khác có nguy cơ làm giảm hiệu quả của vắc xin. Pfizer đang xin cấp phép cho liều thứ ba sau khi dữ liệu từ Israel cho thấy hiệu quả ngừa bệnh giảm nhiều tháng sau khi tiêm.
Một mối lo khác ở Singapore là tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nhóm người cao tuổi thấp.
Theo Bộ trưởng Y tế Ong, tỷ lệ đã tiêm hoặc đặt lịch tiêm mũi đầu tiên ở những người trên 70 tuổi là 71%, thấp nhất trong nhóm đủ điều kiện tiêm chủng tính đến tuần trước.
"Những gì chúng ta thực sự cần phải làm là tiêm ngừa cho thêm nhiều người cao tuổi hơn nữa. Vấn đề không nằm ở chỗ họ từ chối tiêm vì 'tôi không ra ngoài nên tôi an toàn'", Bộ trưởng Ong nhấn mạnh, lý giải rằng khi xã hội mở cửa, ai cũng có thể ra ngoài và mang vắc xin về nhà.
Mặc dù vậy, hy vọng vẫn rất cao, vì Chính phủ Singapore dự kiến 2/3 dân số sẽ tiêm đủ 2 liều vào đầu tháng 8, quanh mốc ngày Quốc khánh 9/8.
Theo vietnamnet