Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị quốc tế Tăng cường vai trò phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả", tại Hà Nội ngày 7/12/2020, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chủ đề năm nay được lựa chọn nhằm ghi nhận những nỗ lực to lớn của phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới trong việc định hình một tương lai bình đẳng và phục hồi từ đại dịch Covid-19. Chủ đề này cũng phù hợp với ưu tiên của Phiên họp thứ 65 của Ủy ban về địa vị của phụ nữ của Liên hợp quốc, kêu gọi sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của phụ nữ trong quá trình ra quyết sách trong đời sống xã hội, cũng như loại trừ bạo lực nhằm đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho mọi phụ nữ và trẻ em gái.

Liên hợp quốc (LHQ) và Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) ghi nhận, phụ nữ đứng ở tuyến đầu trong chiến dịch ứng phó với đại dịch Covid-19, thực hiện hiệu quả việc đẩy lùi đại dịch ở các vị trí khác nhau như nhân viên y tế, người chăm sóc, người sáng tạo, nhà tổ chức cộng đồng và các nhà lãnh đạo quốc gia. Những lãnh đạo nữ và các tổ chức của phụ nữ đã thể hiện kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và phát huy mạng lưới trong lãnh đạo hiệu quả trong ứng phó với Covid-19 và nỗ lực phục hồi.

Phụ nữ cũng có những đóng góp không thể thay thể trong các quyết định, chính sách và điều luật mang lại sự tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Phần lớn các nước thành công trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 và ứng phó với các tác động về y tế và kinh tế-xã hội của đại dịch đều được lãnh đạo bởi nữ giới.

Các nữ Lãnh đạo đứng đầu Chính phủ ở Đan Mạch, Ethiopia, Phần Lan, Đức, Iceland, Na Uy, New Zealand và Slovakia đã được hoan nghênh vì nhanh chóng, quyết đoán và hiệu quả trong lãnh đạo đất nước ứng phó với Covid-19, cũng như sự đồng cảm của họ trong việc chia sẻ thông tin y tế với nhân dân.

Tuy nhiên, LHQ và IPU cũng chỉ ra rằng, theo số liệu năm 2020, vẫn còn khá ít các nữ nguyên thủ, hiện nay phụ nữ đang giữ vị trí nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ ở 20 nước trên thế giới; 58 nữ chủ tịch nghị viện, tăng 1 vị trí so với năm trước, chiếm tỷ lệ trung bình 20,9% trên toàn cầu. Đặc biệt, nước Mỹ hiện có nữ Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện (bà Kamala Harris) và nữ Chủ tịch Hạ viện (bà Nancy Pelosi).

Tỷ lệ nữ Nghị sĩ quốc hội trên thế giới năm 2020 lần đầu tiên đạt mức 25%, tăng 0.6% so với năm trước đó. Tính theo khu vực, châu Mỹ tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ 32.4% Nghị sĩ quốc hội là nữ, tiếp theo là châu Phi cận Sahara, châu Âu, châu Á, Thái Bình Dương và thấp nhất là khu vực Trung Đông – Bắc Phi (17.8%).

Theo IPU và LHQ, những phát triển này vẫn còn xa so với mục tiêu cân bằng giới. IPU chỉ ra rằng, với tỷ lệ tăng hiện nay, sẽ phải mất 50 năm nữa để có thể đạt được cân bằng giới trong Quốc hội ở các nước trên thế giới. Hiện nay, chỉ có 3 nước là Rwanda, Cuba và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đạt cân bằng giới trong Quốc hội, với phụ nữ chiếm 50% hoặc hơn ghế Đại biểu Quốc hội.

Ngoài những rào cản xã hội và hệ thống đã có từ lâu, còn có những rào cản mới đã xuất hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng giới về kinh tế - xã hội.

Phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới đang phải đối mặt với các vấn nạn như bạo lực gia đình gia tăng, phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc mà không được trả lương, mất việc làm và nghèo đói. Phụ nữ đang chiếm phần lớn ở tuyến đầu chống đại dịch, nhưng chưa được đại diện một cách tương xứng ở những vị trí liên quan đến chính sách Covid-19 ở trong nước và trên toàn cầu.

Mặc dù có những ảnh hưởng tiêu cực, đại dịch Covid-19 đã có một số tác động tích cực đến phụ nữ, như việc làm việc trực tuyến ở nhà cho phép họ có nhiều thời gian hơn do không phải đi lại, nhất là phụ nữ có con nhỏ, đồng thời cũng cho phép chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình để phụ nữ theo đuổi sự nghiệp chính trị. Việc chuyển đổi công nghệ số cũng tạo điều kiện để phụ nữ học hỏi và tham gia nhiều hơn vào các mạng lưới trực tuyến của phụ nữ trên toàn thế giới.

LHQ và IPU kêu gọi, để nâng cao quyền năng của phụ nữ và ghi nhận đầy đủ tiềm năng của lãnh đạo nữ trong việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch Covid-19, cần lồng ghép quan điểm của phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả cấp độ, trong quá trình định hình, thực thi chính sách và các chương trình ở tất cả các lĩnh vực, các giai đoạn của việc ứng phó, cũng như phục hồi từ đại dịch.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế hoan nghênh đã đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước Việt Nam chú trọng bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương, đề cao vai trò của phụ nữ trong ứng phó đại dịch cũng như phục hồi hậu đại dịch.

Theo báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP, Việt Nam đứng thứ 65 trên 162 quốc gia và nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Nhiều phụ nữ Việt Nam ưu tú đang giữ cương vị lãnh đạo cấp cao trong Đảng, Nhà nước, đó là Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội Khóa XIV đạt 27%, nhiều phụ nữ là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, nhà khoa học, Đại sứ, người sản xuất giỏi, văn nghệ sỹ tiêu biểu, chủ doanh nghiệp. Một số nữ bác sỹ quân y của Việt Nam đang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.

Việt Nam tiếp tục bảo đảm sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, hướng tới thực hiện cam kết đạt Mục tiêu phát triển bền vững số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”. Chương trình này đề ra mục tiêu, biện pháp để đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ; Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030.

Theo baoquocte