Tiêu chuẩn cái đẹp lỗi thời

Jane Drinkard đến từ New York (Mỹ) nhớ lại: Khi còn là một đứa trẻ trải qua tuổi thanh xuân trong những năm đầu của thế kỷ mới, cô bước cạnh hình ảnh các “Thiên thần Victoria's Secret” trong cửa sổ của trung tâm thương mại ở Brooklyn mỗi ngày. Xem buổi biểu diễn thời trang Victoria's Secret trên truyền hình vào thời trung học cũng giống như xem một sự kiện thể thao quốc tế nổi tiếng. Cơ thể mảnh mai, săn chắc của những người mẫu đã ăn sâu vào não của Jane như tiêu chí cho đỉnh cao sắc đẹp. Những hình ảnh người mẫu do Victoria's Secret giới thiệu (và các thương hiệu khác trong thời đại đó) không chỉ có hại cho việc nhìn nhận bản thân của Jane khi là thiếu niên, mà còn ảnh hưởng đến phụ nữ trẻ ở khắp mọi nơi. 

Mỗi cơ thể đều có vẻ đẹp riêng và mọi phụ nữ có quyền tự tin vào nét đẹp của bản thân mình - Ảnh: chicsoul
Mỗi cơ thể đều có vẻ đẹp riêng và mọi phụ nữ có quyền tự tin vào nét đẹp của bản thân mình - Ảnh: chicsoul

Một phân tích năm 2001 dựa trên kết quả của 25 thí nghiệm khác nhau được công bố trên tạp chí quốc tế về rối loạn ăn uống cho thấy, việc tiếp xúc với “vẻ đẹp gầy lý tưởng được miêu tả trên các phương tiện truyền thông đại chúng” dẫn đến việc gia tăng sự không hài lòng về cơ thể của nhiều phụ nữ. Tương tự, một nghiên cứu năm 2004 chỉ ra, việc nhìn vào “những hình ảnh tạp chí nóng bỏng và mảnh mai” có tác động đáng lo ngại đối với tâm lý của phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm tâm trạng tiêu cực, rối loạn ăn uống và giảm lòng tự trọng.

Các thương hiệu trước đây cũng từng phải đối mặt với làn sóng chỉ trích vì đưa ra những lý tưởng làm đẹp, cho rằng phụ nữ nên khao khát “thân hình bãi biển” vào mùa hè. Năm 2015, Protein World tung ra các biển quảng cáo về loại thực phẩm bổ sung dành cho người ăn kiêng, với hình ảnh một phụ nữ mảnh mai trong bộ bikini kèm theo khẩu hiệu: “Bạn đã sẵn sàng cho thân hình đi biển chưa?”. Chiến dịch của công ty dinh dưỡng thể thao đã gây ra nhiều tranh cãi. Vào thời điểm đó, hơn 71.000 người ở Anh đã ký đơn yêu cầu xóa bỏ chiến dịch. Cơ quan Tiêu chuẩn quảng cáo của xứ sở sương mù cuối cùng đã cấm quảng cáo này. 

Cũng trong năm 2015, Lane Bryant - công ty may mặc dành cho phụ nữ tập trung vào quần áo cỡ lớn - thậm chí đã tạo ra chiến dịch có tiêu đề “Tôi không phải là thiên thần” để phản đối các tiêu chuẩn vẻ đẹp lỗi thời theo hình mẫu của Victoria's Secret, báo hiệu một sự thay đổi trong văn hóa và ngành công nghiệp thời trang thế giới. 

Mọi cơ thể đều có nét đẹp riêng

Mới đây tại Tây Ban Nha, chính phủ đã đưa ra thông điệp dành cho những phụ nữ không thoải mái về cơ thể khi mặc đồ tắm rằng “Đừng lo lắng”. Bộ Bình đẳng của đất nước đã phát động một chiến dịch mùa hè khuyến khích phụ nữ từ chối “định kiến” và “bạo lực thẩm mỹ” - ám chỉ áp lực xã hội về cái đẹp mà một số phụ nữ cảm thấy phải tuân theo. Tâm điểm của chiến dịch là một áp phích quảng cáo thể hiện hình ảnh những phụ nữ ở nhiều độ tuổi, thể trạng và màu da khác nhau trong trang phục tắm trên bãi biển kèm khẩu hiệu: “Mùa hè thuộc về chúng ta”. 

Hôm 22/7, thương hiệu nội y Gossard (Anh) tung ra chiến dịch mới trên trang web và các kênh mạng xã hội mang tên “I Am Enough”, tập trung vào sự tích cực của cơ thể. Chiến dịch lấy cảm hứng từ một cuộc khảo sát của chính phủ từ Anh năm 2020. Theo đó, có 60% phụ nữ cảm thấy tiêu cực về cơ thể của họ và 57% người trưởng thành nói rằng họ không bao giờ hoặc hiếm khi nhìn thấy những người trông giống họ được phản ánh qua hình ảnh trên các phương tiện truyền thông. Chiến dịch mới nhằm “tôn vinh tất cả các cơ thể, sự tự tin bên trong và xóa bỏ những lý tưởng làm đẹp lỗi thời”. Tại Philippines, nhãn hàng Dove của Unilever thực hiện chiến dịch "#StopTheNameCalling" nhằm mục đích khuyến khích các bậc cha mẹ ngừng gọi tên con gái bằng các biệt danh như “mập”, “đen”, “xoăn”… 

Ngay với Victoria's Secret, trước sự thúc đẩy lớn từ phong trào #MeToo, xu hướng tiêu dùng và sự cạnh tranh từ các thương hiệu mới, họ đã bắt tay vào thay đổi tiêu chuẩn “vẻ đẹp” trong vài năm qua. Năm 2021, công ty đã thay thế “các thiên thần” bằng một nhóm gồm những phụ nữ đa dạng về vóc dáng, thành đạt, bao gồm siêu sao bóng đá Megan Rapinoe và nữ diễn viên kiêm nhà đầu tư công nghệ Priyanka Chopra Jonas. 

Thương hiệu Chromat có trụ sở tại New York dẫn đầu với các thiết kế và chiến dịch thử nghiệm trên người mẫu đa dạng, đồng thời cung cấp các bộ sưu tập sôi động dành cho phụ nữ chuyển giới và những người theo xu hướng unisex - không phân biệt giới. Nhà sáng lập Chromat - Becca McCharen-Tran - nói rằng sự xuất hiện của các thương hiệu như Chromat báo hiệu một “sự thay đổi lớn hơn” trong toàn ngành. 

Theo phunuonline.com.vn