Mỗi năm, hàng trăm nghìn người Ấn Độ lại lui đến những nơi được mệnh danh là “đền thờ visa” để cầu nguyện xin thành công thị thực đi du học, lao động nước ngoài, theo South China Morning Post.
Đền Chilkur Balaji, nằm bên bờ hồ Osman Sagar ở thành phố Hyderabad, miền Nam Ấn Độ, còn được gọi dưới cái tên đền “visa Balaji”. Nơi này thu hút đông người có nhu cầu xin thị thực sang Mỹ đến khấn vái.
|
Du học sinh, người đi du lịch hay xuất khẩu lao động tìm đến các "ngôi đền visa" tại Ấn Độ để cầu xin thánh thần phù hộ xin thị thực trót lọt. |
Ngôi đền trở nên nổi tiếng từ những năm 1980 của thế kỷ trước, khi thông tin một nhóm kỹ sư xin visa sang Mỹ thành công nhờ đến thăm địa điểm này được lan truyền rộng rãi.
Những người đến cầu nguyện sẽ đi 11 vòng quanh ngôi đền. Lời khấn được tụng bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Hindu, dựa theo sự hướng dẫn của thầy tu. Nhiều tín đồ mang theo cả hộ chiếu để được ban phước trong những buổi lễ diễn ra tại đền.
Ngoài ra, những người xin được visa còn phải quay trở lại để tạ lễ và đi vòng tròn quanh khu đền 108 lần, mỗi lần kèm theo đồ lễ trả ơn.
“Những tín đồ có niềm tin mạnh mẽ rằng vị thần visa sẽ giúp mong muốn của họ thành hiện thực. Bình thường, chúng tôi đón từ 75.000-100.000 lượt khách hành lễ mỗi tuần từ khắp đất nước. Hầu hết trong độ tuổi 25-35 đang tìm kiếm việc làm ở nước ngoài hoặc muốn nhập học đại học tại các nước phương Tây”, một thành viên tại ngôi đền, cho hay.
Venkat Munshi, đến từ thị trấn Kukatpally gần thành phố Hyderabad, cho biết anh đến cầu nguyện tại Chilkur Balaji vài lần sau khi nghe gia đình kể về nó.
|
Người đến khấn vái thường mang theo hộ chiếu. |
“Năm 2016, tôi xin visa đi Mỹ thành công. Bây giờ, khi đang học dở ở Mỹ, mỗi khi về quê nhà, tôi đều đến thăm đền thờ. Bạn tôi không may mắn như vậy. Mặc dù đến khấn tại đền thờ này 3 lần, anh ấy vẫn bị từ chối. Các thầy tu nói nguyên nhân do anh ấy chưa đủ niềm tin”, cô gái 23 tuổi kể lại.
Ngoài vấn đề lòng tin, nhiều người tìm đến ngôi đền do bản thân cảm thấy lo lắng.
“Hiện tại có rất nhiều người lo sợ chế độ cấp và gia hạn thị thực thay đổi đột ngột. Vì vậy, mỗi khi về nước, tôi lại đến cầu khấn ở đền Shaheed Baba Nihal Singh Gurdwara”, Ankit Panag, du học sinh đang theo học tại Đại học Washington (Mỹ) cho biết.
Địa điểm tâm linh này đã tồn tại hàng thế kỷ và thường được gọi dưới cái tên “Hawaijahaj”, mang nghĩa là máy bay. Hàng chục cửa hàng bán mô hình máy bay xung quanh đền là minh chứng cho niềm tin của những người tìm đến đây: nếu như dâng vật phẩm này làm lễ, khả năng đi nước ngoài của họ sẽ thành hiện thực.
|
Nhiều người tin rằng những ngôi đền này sẽ đem lại may mắn, giúp họ ra nước ngoài thành công. |
Ngoài nghi lễ cầu nguyện, một số ngôi đền khác như Khadia Hanuman ở tỉnh Gujarat còn tổ chức các buổi tư vấn cho sinh viên. Vào cuối tuần, hàng trăm người xin thị thực cầu khấn cùng với lá số tử vi và hộ chiếu của họ.
“Trước khi đại dịch xảy ra, một lượng khách lớn đến hỏi ý kiến chúng tôi về triển vọng xuất ngoại của họ do các quy định thắt chặt gần đây về thị thực đi Mỹ. Chúng tôi đã tiến hành các nghi lễ đặc biệt cho người có nhu cầu”, thầy tu Ram Teerath nói.
Ước nguyện sau khi được viết ra giấy sẽ đem dâng lên trên điện thờ cùng với tiền vàng. Các câu thần chú được đưa cho người hành lễ để tụng hàng ngày, “thúc đẩy” việc xin visa thuận lợi.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ và Viện Giáo dục Quốc tế, lượng du học sinh từ Ấn Độ đóng góp 10-13 tỷ USD hàng năm vào nước Mỹ. Theo báo cáo của BBC, số lượng sinh viên người Ấn đi du học chỉ ít hơn so với Trung Quốc, với hơn 1 triệu người đang theo học tại môi trường quốc tế.
Theo Zing