Mới đây, ĐH Quốc gia Singapore (NUS), trường đại học lớn nhất đảo quốc sư tử, bị chỉ trích về tình trạng quấy rối tình dục sinh viên và cách xử lý chậm trễ của nhà trường.
Ngày 23/10, Tommy Koh, hiệu trưởng trường CĐ Tembusu thuộc ĐH Quốc gia Singapore, chính thức lên tiếng xin lỗi và cam kết thay đổi cách giải quyết các cáo buộc tương tự theo hướng "cởi mở, minh bạch và kịp thời hơn".
Cụ thể, ngày 7/10, ĐH Quốc gia Singapore đã sa thải Jeremy Fernando - giảng viên liên ngành văn học, triết học và truyền thông - vì "không đạt tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên".
Thực tế, người này có liên quan tới 2 khiếu nại về hành vi "không đứng đắn" với sinh viên. Nhưng đến 18/10, hơn 10 ngày sau quyết định trên, sự việc mới được thông báo tới toàn thể cán bộ và sinh viên nhà trường.
Theo SCMP, phía ĐH Quốc gia Singapore đã gửi đơn tố cáo tới cảnh sát địa phương để điều tra 2 cáo buộc quấy rối tình dục của cựu giảng viên Fernando. Tuy nhiên, cách xử lý của trường đại học danh giá nhất đảo quốc sư tử lại nhận về chỉ trích từ dư luận.
|
Ông Tommy Koh thừa nhận thiếu sót và cam kết cải thiện cách xử lý các khiếu nại quấy rối tình dục xảy ra trong nhà trường. Ảnh:NUS. |
Chia sẻ với The Straits Times, 2 sinh viên ĐH Quốc gia Singapore nói rằng ban giám hiệu đã không phản ứng kịp thời và chỉ lên tiếng khi sự việc bị đông đảo cán bộ, sinh viên phát giác.
Ngoài ra, Aware - một tổ chức phụ nữ ở Singapore - chất vấn nhà trường vì trình đơn tố cáo mà chưa được sự đồng ý của nạn nhân. "Họ xứng đáng được tôn trọng, tự chủ khi lên tiếng về trường hợp của mình", phía Aware đánh giá.
Lý giải thắc mắc của Aware, Hiệu trưởng Tommy Koh trả lời rằng nhà trường trì hoãn việc tố cáo Jeremy Fernando vì lo lắng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của nạn nhân.
"Việc tố cáo vụ việc lên cơ quan chức năng có thể tạo áp lực lên 2 nữ sinh, khiến các em rơi vào cảnh trầm cảm và có hành động dại dột", ông Koh nói.
Ông giải thích thêm, "truyền thống bảo thủ" là yếu tố hạn chế phương hướng giải quyết của nhà trường. Phía NUS thường không công bố việc sa thải cán bộ giảng viên, tương tự một số công ty tư nhân.
Song sau bê bối này, ĐH Quốc gia Singapore thừa nhận thiếu sót và cam kết công khai đầy đủ, chính xác và kịp thời về nhà trường cho các bên liên quan.
"Mọi giảng viên và sinh viên đều có quyền được biết về hoạt động của trường. Tôi nghĩ ĐH Quốc gia Singapore đã thiếu sót trong trường hợp này. Mọi thông tin nên được công khai thay vì giấu giếm, minh bạch thay vì mập mờ, nhanh chóng thay vì chậm trễ", Hiệu trưởng Koh cam kết.
|
Trường đại học hàng đầu đảo quốc sư tử từng nhiều lần vướng vào cáo buộc quấy rối tình dục. Ảnh:The Straits Times. |
Những năm gần đây, ĐH Quốc gia Singapore từng nhiều lần vướng vào cáo buộc quấy rối tình dục.
Năm ngoái, sinh viên Monica Baey bị bạn cùng lớp Nicholas Lim rình rập, quay lén khi đang tắm. Nữ sinh đã đăng bài trên Instagram để thể hiện sự bất bình trước hình phạt "quá nhẹ nhàng" mà nhà trường dành cho kẻ biến thái.
Sau sự việc trên, phía NUS đã thành lập một đơn vị chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho nạn nhân và một ủy ban giải quyết, xử lý khiếu nại quấy rối tình dục.
Theo khuyến nghị của ủy ban này, người thực hiện hành vi đồi bại trong môi trường sư phạm của ĐH Quốc gia Singapore sẽ bị đình chỉ học tối thiểu một năm, thậm chí đuổi học đối với các trường hợp nghiêm trọng.
Leong Ching, hội trưởng hội sinh viên ĐH Quốc gia Singapore, cho biết nhà trường đang nghiêm túc xem xét sự việc và cam kết sẽ minh bạch hơn trong tương lai. Đặc biệt, việc thông tin tới toàn thể sinh viên cần được cải thiện để tránh xảy ra những trường hợp tương tự.
"Văn hóa của nhà trường cần thêm thời gian để thay đổi, từ chỗ bảo thủ và phiến diện, cho đến cởi mở, chính xác và nghiêm minh", Leong nói.
Theo Zing