Học sinh Israel đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Jerusalem, ngày 1/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàng triệu học sinh tại Israel đã trở lại trường học bắt đầu năm học mới đúng vào thời điểm số ca mắc COVID-19 tại nước này tăng mạnh lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Việc cho phép học sinh học tập trung trên lớp là một trong những bước đi táo bạo của chính phủ Israel trong giai đoạn mới của cuộc chiến chống COVID-19: Sống chung với dịch bệnh.
Ước tính có khoảng 2,5 triệu học sinh và 200 nghìn giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Israel đã khai giảng năm học mới từ ngày 1/9, chưa kể các trường thuộc cộng đồng Do Thái chính thống đã bắt đầu năm học trước đó nửa tháng.
“Học trực tuyến hay đến lớp?” là câu hỏi hóc búa mà ngành giáo dục Israel phải đau đầu tìm lời giải trong suốt hai tháng qua. Sau nhiều cuộc tranh luận quyết liệt, quyết định cuối cùng được đưa ra sát nút trước ngày khai trường.
Đây là năm học thứ ba hệ thống trường học ở Israel bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với 3 lần đóng cửa rồi lại mở cửa, kèm theo các biện pháp giãn cách, phòng dịch trong lớp học.
Giáo dục chỉ là một trong nhiều lĩnh vực chủ chốt bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh trở lại tại Israel.
Trong những tuần gần đây, số ca nhiễm mới vẫn tăng liên tục, với gần 11.000 ca hôm 30/8, mức cao kỷ lục kể từ đầu dịch.
Tuần cuối tháng 8 cũng đánh dấu cột mốc tổng số người lây nhiễm kể từ đầu dịch đã vượt 1 triệu người (trên tổng dân số khoảng 9 triệu) và số tử vong vượt 7.000 người.
Một nghiên cứu của Oxford University Press cho thấy Israel đang đứng đầu thế giới về tỷ lệ ca nhiễm mới trên tổng dân số, với 1.013 ca/tuần trên 1 triệu dân, vượt qua 2 quốc gia khác là Montenegro và Gruzia.
Từng là một hình mẫu của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và hiện nay cũng thuộc nhóm nước có tỷ lệ bao phủ vaccine trong dân số cao nhất thế giới, tại sao Israel vẫn phải tiếp tục loay hoay đối phó với dịch bệnh?
Chưa ai dám đưa ra câu trả lời chính xác và đầy đủ, nhưng các chuyên gia dưới góc độ thống kê và quan sát đã đưa ra những mảnh ghép ban đầu.
Tiến sỹ Oren Kobiler -giáo sư chuyên ngành vi sinh vật học và miễn dịch tại trường Đại học Tel Aviv (Israel) - cho rằng tình trạng lây nhiễm gia tăng không chỉ có ở Israel mà cả các nước khác có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm ở Israel đang rất mạnh, bởi đây là quốc gia tiến hành tiêm chủng sớm nhất trên thế giới. Tiêm càng lâu thì số lượng kháng thể suy giảm càng nhiều, khiến người được tiêm vaccine có thể bị nhiễm bệnh.
Điều này đã được giới chuyên gia ngành miễn dịch học dự đoán từ trước và cũng cần khẳng định tiêm vaccine giảm nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là nguy cơ bị biến chứng nặng.
Các báo cáo chính thức cho thấy trong số các ca nhiễm mới tại Israel không ít trường hợp đã được tiêm vaccine đầy đủ hoặc từng nhiễm và khỏi bệnh - tức trong cơ thể đã được “trang bị” kháng thể với virus SAR-CoV-2.
Kể từ đầu dịch đến nay đã có 4.811 người Israel bị tái nhiễm, chiếm 0,47% tổng số những người khỏi bệnh. Con số này biến động mạnh trong năm 2021, với tỷ lệ tái nhiễm lên tới 0,71%, so với tỷ lệ tái nhiễm 0,08% của năm 2020 khi biến thể Delta chưa xuất hiện.
Một báo cáo gần đây cũng cho thấy, trong số 514 bệnh nhân nặng phải nhập viện có 59 bệnh nhân đã được tiêm vaccine đầy đủ. Hầu hết các bệnh nhân này đều trên 60 tuổi và đã hoàn tất mũi tiêm vaccine trước đó 6-7 tháng.
Xét về đối tượng, học sinh đang là nhóm lây nhiễm nhiều nhất trong làn sóng dịch COVID-19 thứ tư hiện nay ở Israel, bởi vaccine hiện mới được “phủ sóng” tới các trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Trong ngày “đỉnh dịch” 30/8 vừa qua, ước tính một nửa trong số ca nhiễm mới là học sinh hoặc giáo viên.
Đặc biệt, sau khi học sinh các trường thuộc cộng đồng Do Thái chính thống khai giảng sớm, số ca lây nhiễm trong cộng đồng nơi các em sinh sống đã tăng mạnh.
Tính đến cuối tháng 8, cộng đồng Do Thái chính thống chiếm 23% tổng số ca nhiễm mới hằng ngày, trong khi trước đó chỉ là 5%. Bên cạnh đó, tỷ lệ lây nhiễm cao thuộc nhóm người trưởng thành phản đối hoặc lười đi tiêm. Ước tính nhóm đối tượng này tại Israel lên đến gần 1 triệu người.
Đó là lý do tại sao bài toán “học trực tuyến hay trực tiếp” khiến các nhà hoạch định chính sách tại Israel đau đầu. Cho phép học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè có thể lặp lại tình trạng lây nhiễm dịch bệnh, nhưng đóng cửa trường học sẽ để lại hậu quả không nhỏ về tâm lý và kết quả học tập đối với học sinh.
Đây cũng là bài toán chung đối với các lĩnh vực khác, từ bán lẻ tới du lịch, mà chính phủ Israel đang cố gắng tìm lời giải khi quyết định nới lỏng toàn bộ các quy định về giãn cách xã hội hồi tháng 4 vừa qua.
Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã nhiều lần khẳng định chủ trương quyết tâm chống dịch mà không phải đóng cửa các hoạt động kinh tế xã hội.
Ông Bennett từng tuyên bố: “(Chính phủ) sẽ làm mọi thứ có thể nhằm tránh phải phong tỏa xã hội, bởi đây là thứ tàn phá cuộc sống, nền kinh tế và nền giáo dục… Phong tỏa chỉ là biện pháp cuối cùng.”
Trọng tâm chính vẫn là đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine trong dân, bao gồm cả những người còn lần lữa chưa chịu đi tiêm và tiêm bổ sung mũi 3 cho những người đã tiêm đủ 2 mũi.
Các sáng kiến liên tục được đưa ra như trạm tiêm lưu động tại các bãi biển, tiêm vaccine xuyên đêm phục vụ nhóm thanh niên ưa thích các hoạt động vui chơi về đêm, các hình thức thưởng phạt…
Về tiêm vaccine bổ sung, ban đầu đối tượng được ưu tiên là những người trên 60 tuổi và có bệnh nền, sau độ tuổi được giảm dần và hiện nay Chính phủ Israel đã thông báo tiêm vaccine bổ sung cho mọi người dân trên 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng.
Kể từ 30/8, khái niệm “đã tiêm phòng” chỉ áp dụng đối với những người đã tiêm đủ ít nhất 2 mũi vaccine. Tính đến nay đã có trên 2,15 triệu người Israel được tiêm mũi 3, đạt tỷ lệ cao nhất thế giới.
Song song với chiến dịch vaccine là các biện pháp về giãn cách xã hội và vệ sinh phòng dịch. Một loạt quy định đã từng bước được áp dụng trở lại, như đeo khẩu trang bắt buộc, giãn cách trong không gian kín nơi công cộng, giới hạn số lượng các sự kiện đông người…
Đặc biệt, quy định về “Thẻ Xanh” khi tham dự các sự kiện cũng được thực hiện khá nghiêm. Theo đó, chỉ có những người được chứng nhận đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh mới được đặt chân vào những nơi như rạp hát, bảo tàng, trường đại học, khách sạn, nhà hàng.
Mới đây nhất, chính phủ Israel cũng bổ sung hỗ trợ 55 triệu NIS (khoảng 17 triệu USD) cho các nhân viên trong ngành y tế đang trực tiếp tham gia chống dịch.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ dựa vào phủ sóng vaccine, thậm chí là tiêm bổ sung mũi 3, là chưa đủ trong bối cảnh chưa ai dám khẳng định virus SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện thêm những biến thể nguy hiểm nào khác hay không.
Sẽ tốt hơn nếu chính phủ Israel triển khai các biện pháp dựa vào người dân, chẳng hạn đeo khẩu trang vẫn được coi là một biện pháp hữu hiệu trong ngăn ngừa lây nhiễm.
Làn sóng lây nhiễm thứ tư tại Israel khởi phát sau khi chính phủ bãi bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín. Quy định này đã được tái áp dụng, nhưng trên thực tế việc giám sát thực hiện còn lơi lỏng nên vẫn có nhiều người không thực hiện.
Tiến sỹ Kobiler khẳng định: “Tôi cho rằng nguyên nhân chính cho làn sóng thứ tư là ở hành vi của con người chứ không phải biến thể Delta hay sự sụt giảm trong tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Điều tương tự cũng xảy ra ở Anh hay các nước khác đã tiêm vaccine đầy đủ. Mọi người không giữ giãn cách và không đeo khẩu trang.”
Dường như chính phủ Israel đã nhận thấy trong cuộc chiến chống COVID-19, bên cạnh vaccine, các biện pháp phòng chống đi kèm là vũ khí quyết định để ngăn chặn một làn sóng dịch bệnh trong tương lai.
Nhiều người cho rằng số ca nhiễm mới tăng mạnh có thể là kết quả của đợt xét nghiệm tăng cường trước dịp khai giảng năm học mới.
Thực tế cho thấy tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính hiện nay thấp hơn so với đợt dịch trước.
Đây là một dấu hiệu để hy vọng “đáp án” cho bài toán “sống chung với dịch bệnh” của ngành giáo dục Israel là một đáp án đúng.
Theo Vietnamplus