Lời tòa soạn:

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 đến 1 triệu người bị mua bán. Việc đi lại giữa các quốc gia, các châu lục ngày càng thuận lợi như hiện nay khiến hoạt động mua bán người ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp.

Từ bẫy việc nhẹ lương cao cho tới những lời hứa đổi đời, nhiều người cả tin, đặc biệt là phụ nữ ở những quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, đã trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người bất lương. Dù cơ quan chức năng các nước đã rất nỗ lực ngăn chặn, triệt phá những đường dây buôn người nhưng hoạt động này vẫn diễn ra.

Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu cùng độc giả loạt bài về vấn nạn buôn người trên thế giới, với những câu chuyện cuộc đời thấm đẫm nước mắt của những nạn nhân người Việt và hành trình trở về quê mẹ đầy gian truân, trắc trở.  

Hãng tin Al Jazeera đã đăng bài viết về tình cảnh của một số phụ nữ Việt là nạn nhân của nạn buôn người:

Vốn mong ước có được công việc mới, Diệp (tên nhân vật đã được thay đổi), cô gái Việt Nam 19 tuổi đã quyết định sang Myanmar. Nhưng điều chờ đợi Diệp là bị nhốt một mình trong căn phòng khóa kín ở bang Shan. Diệp có thể nghe thấy tiếng những người khác, nhưng không nhìn thấy họ. Bên ngoài ngôi nhà là những người đàn ông được vũ trang đang đứng canh gác.

leftcenterrightdel
 Một số nạn nhân đã đi bộ suốt nhiều ngày để thoát khỏi bọn buôn người. Ảnh: Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh

Sập bẫy "công việc lương cao"

Lớn lên trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em, bố mẹ không có đủ tiền chi trả học phí nên Diệp phải bỏ học năm mới 14 tuổi để làm việc trong một nhà máy. Sau 3 năm, cô gái chuyển sang làm thuê tại các cửa hàng bán quần áo và nhà hàng tại TP.HCM, nhưng mức thu nhập vẫn thấp. 

Năm 2019, một người đàn ông là bạn của một người quen với Diệp đã liên hệ với cô qua Facebook. Người này đề nghị giới thiệu việc làm cho Diệp ở Myanmar. Sau nhiều lần gặp gỡ để trao đổi, Diệp chấp nhận vị trí phục vụ bàn được trả lương cao. Cô đồng ý bay tới Myanmar cùng người đàn ông.  

“Cơ hội này là đáng giá. Tôi sẽ có thể tiết kiệm tiền, hỗ trợ bố mẹ, và mua quần áo mới cho họ”, Diệp nói.

Sau khi đến sân bay của Myanmar, Diệp bị chở đi khắp nơi trong 24 giờ trên nhiều chiếc ô tô khác nhau, cho đến khi họ đến bang Shan. Tới lúc bị nhốt trong phòng, Diệp mới được thông báo công việc của cô là bán dâm. Cô gái tức giận và nhất quyết từ chối. 

Những kẻ giam giữ đã đánh đập cô rất dã man. Nhưng bất chấp sự đau đớn, cô gái vẫn tiếp tục chống cự, và khẳng định sẽ không làm gái mại dâm. Sau những trận đòn roi, một tên bảo vệ đã vào phòng và cưỡng hiếp Diệp. Hắn đe dọa, nếu không chịu bán dâm, hình phạt hàng ngày của Diệp sẽ là bị cưỡng hiếp. Đến lúc này, cô gái buộc phải nghe theo lời. 

Tại nơi bị giam giữ, Diệp được phép tiếp xúc và nói chuyện với những phụ nữ khác. Vài người trong số này cũng là người Việt Nam. Tất cả các cô gái đều bị ép dùng ma túy đá để phục vụ công việc bán dâm.  

Diệp muốn bỏ trốn, nhưng nhanh chóng từ bỏ ý định vì biết rằng nếu bị bắt lại, cô có thể bị giết. “Tôi không thể tin là mình bị rơi vào hoàn cảnh như thế. Ngay cả trong ác mộng, tôi cũng chưa nghĩ đời mình sẽ như vậy”, Diệp tâm sự. 

Hành trình trở về nhà đầy nước mắt

Theo tờ Al Jazeera, vào một ngày nọ, với sự giúp đỡ của Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation), một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Hà Nội chuyên giải cứu các nạn nhân của nạn buôn người, một người phụ nữ mà Diệp kết bạn đã trốn thoát.

Cuối cùng, tổ chức Rồng Xanh đã lên kế hoạch giải cứu Diệp. Khi trở lại Việt Nam, Diệp đã 22 tuổi. Cô bị bắt làm nô lệ tình dục hơn 3 năm. “Khi biết được bản thân được tự do, được về nhà, có thể gặp lại cha mẹ mình, và nỗi đau đã chấm dứt… Đó thực sự là một cú sốc. Tôi không thể tin được”, Diệp nói. 

Tổ chức Rồng Xanh cho biết, họ không thể chia sẻ chi tiết chính xác về quá trình giải cứu, do lo sợ điều này có thể gây nguy hiểm đến những nỗ lực sau này nhằm đưa phụ nữ bị buôn bán trở về Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện của Diệp không phải là duy nhất. Bởi theo báo cáo gần đây của Rồng Xanh, số lượng phụ nữ Việt Nam bị buôn bán sang Myanmar đang ngày càng tăng.

Trên thực tế, nạn buôn bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc để ép kết hôn nhân hoặc bóc lột tình dục vẫn tiếp diễn, nhưng ở mức thấp hơn nhiều. Trong khi đó, số lượng nạn nhân bị buôn bán để bóc lột sức lao động ở Campuchia, cũng như bị đưa tới Myanmar để ép bán dâm lại gia tăng rõ rệt.

Vào năm 2020, tổ chức Rồng Xanh đã giải cứu 274 người Việt bị bán sang Trung Quốc. Con số này vào năm 2022 là 110 người. Từ Campuchia và Myanmar, Rồng Xanh đã giải cứu lần lượt 62 và 44 người trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022. 

Giống như Diệp, Hạnh cũng bị bán sang Myanmar, nơi cô bị ép làm gái mại dâm. Hạnh bị đối xử tàn bạo và bị ép dùng ma túy đá. Cô liên tục bị đe dọa đánh đập, và chứng kiến nhiều vụ xả súng.

Do khó khăn tài chính trong giai đoạn dịch Covid-19 lây lan, Hạnh đã bị sập bẫy của bọn buôn người, và bị đưa sang Myanmar vào nửa cuối năm 2021. Cô được tổ chức Rồng Xanh giải cứu, và trở về Việt Nam vào tháng 9/2022. 

Nói về một nạn nhân từng cố gắng trốn khỏi nhà thổ, Hạnh cho biết cô gái này đã bị bắt lại và bị bọn giam giữ đánh đập không thương tiếc, không cho ăn, và còn bị xích lại.  

Bài 2: Lý do số lượng người Việt bị lừa đưa sang Myanmar gia tăng 

Theo vietnamnet