Dịch COVID-19 nguy cơ đánh đổ 30 năm đấu tranh vì quyền phụ nữ
Cập nhật lúc 23:01, Thứ sáu, 07/08/2020 (GMT+7)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo nếu tình hình suy thoái kinh tế không được kiểm soát, 30 năm lợi ích cho các cơ hội kinh tế của phụ nữ có thể bị xóa bỏ. Đồng thời, tổ chức không quên kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới cần hành động ngay lập tức để ngăn chặn thiệt hại lâu dài.
Sự sụp đổ kinh tế làm trầm trọng thêm vấn nạn bất bình đẳng giới.
Bốn tháng áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, nhằm hạn chế sự lây lan dịch COVID-19, khiến nước Anh rơi vào suy thoái sâu nhất trong 3 thế kỷ qua. Hàng ngàn phụ nữ lập gia đình đang phải đối mặt với những áp lực nặng nề từ nạn thất nghiệp cho đến nỗi lo chăm sóc con cái, khi các trường học tại 160 quốc gia đang tạm ngừng hoạt động.
Ngay cả trước đại dịch COVID-19 xảy đến, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ về việc làm đã kéo dài trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, năm 2020, khoảng cách về giới còn trầm trọng hơn. Theo Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh (OBR), tỷ lệ thất nghiệp của cả nam và nữ sẽ tăng hơn gấp đôi vào cuối năm nay, lên mức cao nhất kể từ những năm 1980.
Dù vậy, số liệu chính thức cho thấy đàn ông vẫn kiếm được việc làm nhiều hơn 17,8% so với phụ nữ. Trước đó, Hiệp hội Fawcett (một tổ chức từ thiện của Anh hoạt động vì nữ quyền và bình đẳng giới) ước tính sẽ mất 60 năm để xóa bỏ khoảng cách về giới, nhưng sau cú sốc kinh tế do dịch bệnh gây ra, hy vọng sự bình đẳng sẽ bị trì hoãn thêm 30 năm nữa. Như vậy, có thể đến tận năm 2110 mới hy vọng khoảng cách này được xoá bỏ.
Bên cạnh đó, Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết gần 510 triệu người, tương đương 40% tổng số phụ nữ có việc làm, đang hoạt động trong các lĩnh vực dễ chịu tổn thương nhất bao gồm khách sạn, bán lẻ và giải trí. Điều này khiến nữ giới đối mặt với nguy cơ cao bị mất việc.
Các nghiên cứu về tài chính nói thêm rằng nhiều bà mẹ đã phải làm việc ít hơn 2 giờ mỗi ngày so với các ông bố, nhưng phải thêm 2 giờ để chăm sóc con cái và dọn dẹp nhà cửa. Và việc đóng cửa các trường học sẽ càng làm trầm trọng thêm sự phân chia không công bằng trong việc chăm sóc gia đình. Các chuyên gia cũng cảnh báo xu hướng này vẫn sẽ tồn tại ngay cả khi các văn phòng bắt đầu mở cửa trở lại, bởi đại dịch đã khiến hơn 10.000 cơ sở chăm sóc trẻ em tuyên bố phá sản.
Theo phunuonline