Điện ảnh Nhật đã sinh ra nhiều nhà làm phim kiệt xuất trong thế kỷ XX, khiến cả thế giới nể phục. Trong đó, 2 vì sao sáng nhất là Yasujirō Ozu và Akira Kurosawa, trưởng thành gần như trong cùng giai đoạn. Họ được xem là “bộ mặt của điện ảnh Nhật Bản” với những bộ phim kinh điển vẫn còn được nhắc đến ngày nay.
|
Tokyo story mang đến 1 kịch bản về những chuyện đời thường nhưng đã được nhào nặn tinh tế để trở thành 1 tuyệt phẩm điện ảnh |
Với Ozu, một trong những phim được xem như kiệt tác là Tokyo story (Câu chuyện Tokyo, 1953). Không có những tình tiết giật gân, không có các cú máy phức tạp, Ozu đơn giản thổi vào nó hơi thở bình dị của cuộc sống. Tác phẩm đường hoàng nằm trong danh sách các phim xuất sắc do nhiều đơn vị uy tín bình chọn. Năm 2012, tạp chí Sight & Sound đã chọn Tokyo story là bộ phim vĩ đại nhất mọi thời đại.
Câu chuyện về đoàn tụ và chia ly
Ở vùng Onomichi thuộc phía Tây Nhật Bản, gia đình Hirayama, gồm cặp vợ chồng già Shukichi (Ryu Chisu), Tomi (Higashiyama Chieko) và con gái út Kyoko (Kagawa Kyoko) chung sống sau Thế chiến thứ hai. 2 ông bà còn 4 người con khác nhưng 3 người sống xa nhà còn 1 người đã mất trong thời chiến.
Shukichi và Tomi quyết tâm lên Tokyo thăm 2 người con là Koichi (Yamamura So) - một bác sĩ có phòng khám tư - và Shige (Sugimura Haruko) - chủ một tiệm làm tóc. Họ đều bận rộn với công việc và không có nhiều thời gian cho cha mẹ. Chỉ có Noriko (Hara Setsuko) - vợ người con trai đã mất của cặp vợ chồng già - quan tâm đến họ. Shukichi và Tomi rất cảm kích người con dâu góa bụa và khuyên cô đi bước nữa.
|
Năm 2012, tạp chí Sight & Sound đã chọn Tokyo story là bộ phim vĩ đại nhất mọi thời đại |
2 ông bà rời khỏi Tokyo sớm hơn dự định và định thăm người con còn lại - Keizo (Osaka Shiro) - ở Osaka. Tuy nhiên, Tomi bắt đầu yếu sức khiến họ phải từ bỏ ý định và vội vã trở về Onomichi. Cứ như thế, Tokyo story dẫn dắt người xem qua những sự kiện hết sức bình thường của 1 gia đình điển hình người Nhật.
Có người từng nói đỉnh cao của đầu bếp không phải những món cầu kỳ, mà là nấu những món tưởng chừng đơn giản sao cho đạt tới cảnh giới cao nhất. Cũng như vậy, Tokyo story mang đến 1 kịch bản về những chuyện đời thường nhưng đã được nhào nặn tinh tế để trở thành 1 tuyệt phẩm điện ảnh. Ozu mô tả một khung cảnh điện ảnh chầm chậm trôi như chính cuộc đời. Sinh lão bệnh tử, mọi thứ cứ diễn ra như nó phải thế và cuộc sống cứ tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác trong dòng chảy bất tận của thời gian.
Đạo diễn người Nhật đã hòa hợp những vấn đề của gia đình đương đại với tính cách thâm trầm đặc trưng của người dân nước này. Suốt phim, khán giả thấy các nhân vật cư xử nhẹ nhàng, đôi khi có phần khách sáo. 2 người con không thích sự hiện diện của cha mẹ ở Tokyo, nhưng ngoài mặt vẫn cười nói và giữ phép tắc còn đôi vợ chồng già tất nhiên chạnh lòng nhưng không thể hiện một cách thái quá.
|
Tokyo story được xem như 1 tác phẩm bình dị nhưng đầy cảm xúc về gia đình |
Bộ phim trình bày các lớp ý về khoảng cách thế hệ cũng như sự va chạm giữa giá trị truyền thống và hiện đại. Trong phim, nước Nhật đang ở giai đoạn lịch sử đặc biệt - sau Thế chiến thứ hai - kinh tế dần hồi phục, đi kèm là tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của văn hóa phương Tây. Một số giá trị và truyền thống cũ của Nhật Bản dần bị xét lại hoặc hủy bỏ. Sự va đập văn hóa đó có thể thấy qua các mẩu hội thoại của đôi vợ chồng già và những đứa con đại diện cho tầng lớp thị dân Tokyo bấy giờ.
Phải tinh tế và chú ý kỹ vào các biểu cảm của nhân vật khi trò chuyện, khán giả mới có thể nhận ra cảm xúc thật của họ. Đôi khi 1 giọng nói, 1 ánh mắt sẽ biểu lộ sự thất vọng hay vui sướng một cách điềm đạm như đang cố kìm nén tiếng lòng. Đó là đặc trưng trong phép tắc giao tiếp của người Nhật thời đại trước.
Sự bình lặng đó lại chứa đựng triết lý và suy ngẫm của 1 bậc thầy. Giữa dòng chảy vô tận của tạo hóa, đời người thật nhỏ nhoi và cứ khẽ khàng trôi qua. Tokyo story mang không khí trầm buồn, khắc họa những chuyện tất nhiên phải đến mà không thể tránh khỏi. Những đứa con rồi sẽ lớn lên và phải xa cha mẹ. Những người lớn tuổi rồi sẽ bước sang thế giới bên kia.
Cảnh cuối phim để lại không ít bâng khuâng khi ông lão Shukichi ngồi một mình trong căn nhà, chẳng còn ai kề bên. “Sống một mình có lẽ ngày sẽ dài lắm” - ông cụ thốt lên trước khi đối mặt với nỗi cô đơn của chính mình. Cảnh của Shukichi đan xen với phân cảnh chiếc tàu chạy chầm chậm trên sông từ trái sang phải như ẩn dụ cho đời người cứ trôi dần, trôi dần.
Vĩ đại từ sự đơn giản
Cũng như nhiều phim khác, Ozu sử dụng máy quay tĩnh, hầu như không di chuyển. Các nhân vật được đặt vào khung hình và diễn biến được dẫn dắt qua thoại. Với khán giả đương đại, phong cách này hơi nhàm chán và thiếu sinh động. Tuy nhiên, nó giúp Ozu kiểm soát được câu chuyện theo ý ông muốn, cũng như ẩn ý một cách hiểu đặc biệt về phim. Trong khung hình tĩnh đó, từng nhân vật như đang bị mắc kẹt, cũng như con người ở giữa vòng sinh lão bệnh tử mà chẳng thể thoát ra.
Ở nhiều đoạn chuyển cảnh, Ozu nhiều lần sử dụng những cảnh quay không có con người, làm tăng thêm sự tĩnh mịch và trầm buồn cho câu chuyện. Nó cũng như lời nhắc nhở rằng con người đang tồn tại song song với vạn vật, vẫn chỉ là 1 cá thể trong thế giới rộng lớn. Sự sống tồn tại cả trong vật chất, trong những hình hài khác nhau.
Đạo diễn Nhật Bản thường đặt máy quay ở góc thấp, mô phỏng góc nhìn của 1 người khi đang ngồi trên chiếu tatami. Do đó, người xem giống như đang theo dõi câu chuyện ở cùng góc độ với các nhân vật. “Luật 180 độ” của quay hội thoại thường bị phá vỡ còn các nhân vật đôi khi nhìn thẳng vào khán giả lúc nói chuyện. Chủ nghĩa tối giản được dùng trong dàn cảnh, trong khi một số tình tiết quan trọng chỉ được đề cập bằng cách kể lại.
Tokyo story luôn được ngưỡng mộ như một tác phẩm có thể tạo ra nhiều cảm xúc và suy ngẫm mà không cần quá nhiều sự thể hiện bề mặt. Nhân vật không khóc to, không tranh luận gay gắt còn nhịp phim chậm và máy quay đứng yên. Thế nhưng, cuối cùng, khán giả vẫn có thể hiểu và cảm được những điều Ozu muốn truyền tải. Với người xem đương đại - thế hệ đã quen thuộc với nhịp sống nhanh trên mạng xã hội - Tokyo story giống như lời mời gọi hãy điềm đạm một chút, hãy kiên nhẫn một chút để tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống. Đạo diễn thiên tài người Nhật như bậc thầy ôn tồn chia sẻ thế giới quan của mình, chẳng hề thúc ép cảm xúc của khán giả mà để chúng ta từ từ cảm nhận nó.
Một điểm thú vị là khi Tokyo story ra mắt, nhiều chuyên gia điện ảnh Nhật lại cho rằng nó khó đạt thành công lớn ở quốc tế. Bộ phim bị cho là “quá Nhật Bản” và không thể quảng bá tới các thị trường khác. Chỉ đến thập niên 1960, những tác phẩm của Ozu mới được giới thiệu rộng rãi đến các liên hoan phim ngoài nước Nhật. Đạo diễn qua đời vào năm 1963, nghĩa là gần như sau khi Ozu qua đời, làng phim quốc tế mới bắt đầu tán dương ông như 1 bậc thầy.
Ozu cả đời không kết hôn và sống với mẹ mình. Bà qua đời trước ông chưa đến 2 năm. Có nhiều điểm tương đồng giữa vị đạo diễn này và nhân vật Shukichi trong Tokyo story. Phải chăng trong 2 năm cuối đời, Ozu cũng đã đối mặt với nỗi cô đơn như ông lão ở cuối phim của mình? Sự vô vi của cuộc đời, giống như cách bộ phim thể hiện, có lẽ cũng được Ozu gửi gắm đến hậu thế khi ngôi mộ chung của ông và mẹ không đề tên mà chỉ ghi chữ “Mu” (hư vô).
Theo phụ nữ TPHCM