Dien dan Girls Speak out: Lang nghe tieng noi cua tre em gai hinh anh 1
 Nữ sinh tới trường học tại Kabul, Afghanistan, ngày 23/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trẻ em gái trên toàn cầu xứng đáng được hưởng sự giáo dục, được bảo vệ tốt hơn, an toàn hơn và có một tương lai tươi đẹp, bởi các em chính là những người đại diện cho "một nửa quan trọng" không thể thiếu trong tương lai của nhân loại.

Nhân Ngày quốc tế trẻ em gái 11/10, sự kiện thường niên "Girls Speak out," với trọng tâm tập trung vào bảo đảm quyền của trẻ em gái, đồng thời được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, trong bối cảnh vẫn tồn tại những rào cản lớn đối với việc thực hiện các quyền của trẻ em gái.

Đây là diễn đàn, nơi các trẻ em gái sẽ chia sẻ về những thách thức mà các em đang phải đối mặt, từ đó đưa ra đề xuất, khuyến nghị về việc ban hành và thực hiện chủ trương, chính sách đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em gái.

Năm nay, dự án “Lắng nghe trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, vì một tương lai bình đẳng” cũng được tổ chức tại Hà Nội.

Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi là nội dung Mục tiêu số 5 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đề ra.

Kể từ khi Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn ngày 11/10 hằng năm là Ngày Quốc tế trẻ em gái (năm 2011), các vấn đề liên quan tới trẻ em gái ngày càng được quan tâm, chú ý, thêm nhiều cơ hội để tiếng nói của các em được lắng nghe, trong đó diễn đàn "Girls Speak out" là một ví dụ.

Vượt lên mọi nghịch cảnh, bằng bản lĩnh, sự nỗ lực, sáng tạo, bền bỉ và ý chí kiên cường, các trẻ em gái đã chứng tỏ rằng khi được trao cơ hội và trang bị các kỹ năng, chính các em có thể là những người tạo ra sự thay đổi, thúc đẩy sự tiến bộ trong cộng đồng nơi các em sinh sống.

Tuy nhiên, trẻ em gái trên khắp thế giới vẫn phải đối mặt với những thách thức chưa từng có về giáo dục, sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như thiếu sự bảo vệ cần thiết để có một cuộc sống không bạo lực.

Những thách thức này ngày càng trở nên trầm trọng hơn do các cuộc khủng hoảng như biến đổi khí hậu và xung đột nhân đạo.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã chất thêm gánh nặng đối với trẻ em gái trên khắp thế giới, đảo ngược nhiều thành tựu quan trọng đạt được trong thập niên qua.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, tình trạng bất bình đẳng, phân biệt đối xử đối với trẻ em gái trên thế giới là một trong những vấn đề lớn làm chậm sự tiến bộ và phát triển của thế giới.

Trên thực tế, bất bình đẳng đối với trẻ em gái tồn tại ở nhiều lĩnh vực như bất bình đẳng về giáo dục, dinh dưỡng, chăm sóc y tế, danh dự, quyền được bảo vệ…

Bạo lực hoặc phân biệt đối xử trên cơ sở giới xảy ra ở mọi quốc gia, ngay cả các nước phát triển.

Ngay cả trước đại dịch COVID-19, thúc đẩy quyền được đến trường của các trẻ em gái vẫn là một thách thức.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết vào năm 2019, trên thế giới có hơn 130 triệu trẻ em gái trong độ tuổi đi học không được đến trường. Đại dịch đã làm phức tạp thêm tình trạng này.

Liên hợp quốc đã cảnh báo về một thế hệ trẻ em gái bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận giáo dục khi khoảng 11 triệu trẻ em gái có nguy cơ không được đi học trở lại sau đại dịch.

Tỷ lệ trẻ em gái bỏ học ngày càng tăng không chỉ làm gia tăng khoảng cách giới mà còn làm tăng nguy cơ các em bị bóc lột tình dục và ép buộc kết hôn.

Theo Liên hợp quốc, trên toàn cầu ước tính mỗi năm có khoảng 12 triệu trẻ em gái kết hôn trước năm 18 tuổi.

Trong 2 năm trở lại đây, thêm hàng chục nghìn trẻ em gái, phần lớn ở châu Á, bị ép kết hôn vì COVID-19, khi đại dịch đẩy nhiều triệu người vào cảnh thất nghiệp khiến các bậc cha mẹ phải vật lộn để nuôi sống gia đình.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính nếu không có biện pháp quyết liệt, số trẻ em gái ở lứa tuổi thiếu nhi bị ép kết hôn sẽ tăng lên đến 950 triệu năm 2030.

Tình trạng phân biệt đối xử đối với trẻ em gái ngay trong gia đình cũng là vấn đề ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở nước nơi tâm lý “trọng nam khinh nữ” còn nặng nề.

Báo cáo của UNICEF cho thấy các em gái từ 5-14 tuổi phải dành nhiều hơn 40% thời gian để làm các công việc vặt trong nhà so với các bé trai cùng độ tuổi, khiến các em bỏ lỡ nhiều cơ hội học tập và tận hưởng tuổi thơ.

Tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái đã dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tình trạng mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các trẻ em gái chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Dien dan Girls Speak out: Lang nghe tieng noi cua tre em gai hinh anh 2
 (Nguồn: Facebook)

Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc kêu gọi các chính phủ, các tổ chức và cộng đồng hỗ trợ trẻ em gái trong các nỗ lực thay đổi, bằng cách lắng nghe tiếng nói, đáp lại nguyện vọng của các em và tạo cơ hội để các em có thể tham gia vào quá trình ra quyết định.

Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn lực, đẩy mạnh giáo dục có chất lượng cũng như ưu tiên phúc lợi của trẻ em gái; cần đầu tư có mục tiêu hơn nhằm giải quyết các bất bình đẳng mà các em phải trải qua, trong đó có việc cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cho trẻ em gái.

Trong thông điệp nhân ngày này, Tổng giám đốc UNICEF Catherine Russell kêu gọi tất cả cùng hành động để quyền của mọi trẻ em gái ở bất kỳ đâu cũng đều được tôn trọng và bảo vệ.

Liên hợp quốc cũng phát động chiến dịch hành động vì quyền của trẻ em gái, được triển khai từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 10 năm 2023, kêu gọi sự quan tâm, đầu tư và hành động nhiều hơn để thúc đẩy trao quyền cho trẻ em gái. Liên hợp quốc cũng chọn chủ đề cho Ngày Quốc tế trẻ em gái 2022 là: "Thời đại của chúng ta là bây giờ - quyền của chúng ta, tương lai của chúng ta."

“Không một quốc gia nào có thể phát triển nếu không thúc đẩy vai trò của trẻ em gái trên lộ trình phát triển," đây là nhận định của ông Usie Cherles, Giám đốc tổ chức nhân đạo và phát triển PLAN International tại Nigeria.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc trẻ em gái được quan tâm, giáo dục tốt chính là nền tảng cho một xã hội tốt, một sự phát triển tốt cho các thế hệ tương lai.

Như khẳng định của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, thúc đẩy quyền của các trẻ em gái, để tiếng nói của các em được lắng nghe, tạo điều kiện cho các em được tiếp cận với những công cụ mà các em cần để quyết định tương lai chính mình - đó chính là hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn và bình đẳng hơn cho tất cả chúng ta./.

Theo TTXVN/Vietnam+