sinh-vien-trung-quoc-1-7507-1581656050.jpg
Iris Yao tại một nhà hàng trên đảo Jeju, Hàn Quốc. Ảnh: NY Times.
Yao, sinh viên 22 tuổi, ghé đảo Jeju khi trên đường từ nhà ở thành phố Chu San, Chiết Giang, Trung Quốc, quay lại trường đại học ở Sydney, Australia. Nhưng sau đó cô bị mắc kẹt ở đây.
Cô là một trong hàng chục nghìn du khách Trung Quốc bị phá vỡ kế hoạch bởi những quy định thay đổi nhanh chóng trong khu vực do bùng phát dịch viêm phổi. Thay vì chào đón du khách Trung Quốc giàu có như trước, cư dân đảo giờ sợ gặp và xa lánh những người như Yao.
Một số nhà hàng trên đảo cấm người Trung Quốc. Nhân viên nhà hàng thậm chí yêu cầu cô không nói tiếng Trung khi dùng bữa ở đây vì sợ rằng khiến khách hàng khác khiếp sợ. "Nỗi sợ virus xuất hiện ở khắp nơi. Tôi nghĩ thật không công bằng với người Trung Quốc khi bị cấm tới nhà hàng hoặc không được nói tiếng của mình", Yao nói.
Kỳ nghỉ ngắn trước khi bắt đầu kỳ học mới ở Australia của Yao trên đảo Jeju giờ trở thành ác mộng khi giống nhiều nước nước, chính quyền Canberra cấm du khách đến từ Trung Quốc. Giờ Yao chỉ biết chờ đợi. Theo quy định hiện giờ, cô không thể tới Australia sau khi rời Trung Quốc ít nhất 14 ngày. Cô đơn ở đất nước xa lạ và cảm giác như kẻ bị bỏ rơi khiến Yao thấy tuyệt vọng và tức giận.
"Tôi chỉ muốn ở một nơi an toàn", cô nói.
Nỗi sợ nCoV khiến tình trạng phân biệt đối xử xuất hiện trên khắp thế giới. Tại Nhật Bản, hagtag #Người Trung Quốc đừng tới Nhật Bản tràn ngập trên Twitter thời gian gần đây. Tại Singapore, hàng nghìn cư dân ký đơn kiến nghị chính phủ cấm người Trung Quốc.
Thậm chí ngay tại Trung Quốc, mọi người đều tránh xa bất kỳ ai nói giọng Hồ Bắc, nơi khởi phát dịch viêm phổi do nCoV (Covid-19), trên phương tiện giao thông công cộng hoặc cấm họ vào nhà hàng và địa điểm công cộng khác.
Yao tới đảo Jeju tháng trước sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Chu San. Quê hương Chiết Giang của cô là một trong số tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch viêm phổi với hơn 1.100 ca nhiễm. Một ngày sau khi tới Jeju, chính quyền Australia hạn chế nhập cảnh với du khách đến từ Trung Quốc đại lục và lệnh cấm này sẽ được gia hạn thêm một tuần kể từ ngày 15/2.
Quy định này gây rắc rối cho hàng nghìn du học sinh Trung Quốc, chiếm phần lớn trong tổng số sinh viên quốc tế tại đại học Australia. Trên các nhóm chat trực tuyến, sinh viên đang tranh luận về lợi ích của việc ở một quốc gia thứ ba, gồm Thái Lan và Dubai, trong 14 ngày để cố gắng bắt đầu kỳ học mới.
Yao cảm thấy mình may mắn hơn bạn bè còn mắc kẹt ở Hồ Bắc hoặc nơi khác ở Trung Quốc. Để khắc phục, một số trường đại học thông báo mở khóa học trực tuyến và cho phép sinh viên nợ kỳ học này. Tuy nhiên, Yao cùng hàng nghìn sinh viên khác đã ký bản kiến nghị kêu gọi gia hạn thời gian bắt đầu kỳ học.
Đảo Jeju ngày 2/2 cũng đình chỉ vô thời hạn chương trình miễn thị thực cho công dân Trung Quốc, điều này khiến cho Yao, người đến trước khi hạn chế có hiệu lực, rơi vào tình thế không chắc chắn. Trong khi đó, hôm 12/2, Hàn Quốc đã ghi nhận tổng cộng 28 ca nhiễm Covid-19.
Biểu tình ở đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul tuần trước để yêu cầu minh bạch về dịch viêm phổi. Ảnh: AP.
Sau khi tới Jeju, Yao hiếm khi ra ngoài, thay vào đó chọn ở nhà chơi điện tử với bạn hoặc học bài thi lái xe. Một lần cô đăng bài trên mạng xã hội về định kiến mình phải chịu ở đây, trong đó nói rằng cô ủng hộ phương pháp tự cách ly, nhưng không đồng tình với những lệnh cấm nhập cảnh vội vàng, dễ "gây tổn thương". Cô đã nhận được phản hồi từ vài người Trung Quốc, trong đó có người nói cô là người quá cảm xúc và thiếu hiểu biết.
Sau khi đủ thời hạn 14 ngày rời Trung Quốc, cô tự tin mình có thể trở lại Australia. Cô đã đặt vé bay tới Sydney và quá cảnh ở Malaysia. Nhưng sau đó, Malaysia cũng bắt đầu cấm hành khách từ tỉnh Chiết Giang. Yao giờ lo lắng sẽ gặp vấn đề dù chỉ quá cảnh ở Malaysia và kế hoạch có thể thất bại.
"Điều này thực sự phiền toái nhưng nó là cơ hội duy nhất của tôi bây giờ", Yao nói.
Theo vnexpress