Bác sĩ Hitoshi Niwa - Trường Đại học Osaka

Từ khi bắt đầu hoạt động nhân đạo này tại Ninh Bình, đến nay, Hiệp hội phẫu thuật sứt môi hàm ếch Nhật Bản đã thực hiện khoảng 500 ca phẫu thuật cho trẻ em.

Bé Nguyễn Gia Bảo mới 10 tháng tuổi, là một trong những bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được phẫu thuật trong đợt này. Theo nhận định của các bác sĩ, như vậy vẫn hơi muộn so với độ tuổi có thể được phẫu thuật ở Nhật Bản là 4 đến 5 tháng tuổi.

“Bác sĩ có nói rằng, nếu năm sau sức khỏe của cháu tốt thì có thể phẫu thuật lại. Bố mẹ sợ, lo lắng cho con, nhưng bác sĩ đã động viên rằng cháu không làm sao, phẫu thuật xong mặc dù hơi ngọng nhưng bé cũng đẹp hơn và không có gì ảnh hưởng nhiều” - Chị Nguyễn Thùy Linh, mẹ bé Nguyễn Gia Bảo cho biết.

Do các bệnh nhi còn nhỏ tuổi, nên các bác sĩ đã phải chuẩn bị rất chu đáo để tiến hành phẫu thuật, từ các dụng cụ được mang từ Nhật Bản sang, cho tới thuốc gây mê, máy hay phòng phẫu thuật…

“Cái quan trọng nhất trong việc gây mê là sử dụng một lượng thuốc vừa đủ cho bệnh nhi. Và để ca phẫu thuật diễn ra một cách an toàn, chúng tôi đã tiến hành gây mê hết sức cẩn thận” - Bác sĩ Hitoshi Niwa - Trường Đại học Osaka nói.

Theo các bác sĩ, sau khi phẫu thuật, các bệnh nhi sẽ tiếp tục được chăm sóc trong khoảng 1 tuần. Đối với các trường hợp còn nhỏ, các bác sĩ sẽ phẫu thuật thêm 1 hoặc 2 lần để hoàn thiện khuôn mặt cũng như phục hồi các chức năng phát âm, hô hấp.

“Qua 18 năm tiến hành chương trình hợp tác này, về cơ bản các cháu có tiến triển tốt, và đặc biệt là chúng tôi không để xảy ra trường hợp di chứng hoặc tử vong nào” - Ông Lê Chính Chuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình cho biết.

Kíp mổ đang tiến hành một ca trẻ sứt môi 

Hiệp hội phẫu thuật sứt môi hàm ếch Nhật Bản được công nhận là tổ chức phi lợi nhuận tư nhân vào năm 2002. Trong hơn 20 năm kể từ khi bắt đầu tổ chức hoạt động nhân đạo này tại Việt Nam, Hiệp hội đã thực hiện phẫu thuật cho khoảng 1.000 trẻ em tại các tỉnh Bến Tre, Quảng Nam và Ninh Bình.

Theo VTVNews