Sáng 3/8, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bầu đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, với số phiếu tuyệt đối 100%.
Kết quả này thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội. Đó cũng là mong muốn, nguyện vọng chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, tiếp nối và phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách để giữ vững và phát huy những thành tựu quan trọng, toàn diện mà đất nước ta đã đạt được, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Lịch sử hơn 90 năm qua đã chứng minh, đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở, nền tảng quan trọng để phát huy toàn diện sức mạnh trí tuệ, sự sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc, là động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi khi đất nước đứng trước những khó khăn, thách thức, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc lại được nhân lên gấp bội, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, phong ba bão táp để cập bến bờ vinh quang.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết-Thành công, thành công, đại thành công." Thực hiện lời căn dặn ấy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn đặc biệt chú trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết chặt chẽ giữa đoàn kết trong nước với đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại - coi đây là yếu tố nền tảng đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể thấy rất rõ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương xuyên suốt, thống nhất của Đảng ta, được thể hiện trực tiếp trong nội dung nhiều văn kiện, nghị quyết, quyết định, chỉ thị qua các nhiệm kỳ của Đảng.
Trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc, tăng cường và phát huy, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc đi đến thành công.
Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để từng bước chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, các dân tộc, các tôn giáo, giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước...
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, Đảng ta và cả hệ thống chính trị cùng toàn thể đồng bào ở trong nước và nước ngoài đã đoàn kết, chung sức đồng lòng, đẩy lùi và vượt qua khó khăn, thử thách chưa từng có. Tinh thần ấy tiếp tục được khơi dậy bằng những chính sách quyết liệt mà Đảng, Nhà nước ta đề ra nhằm từng bước đưa nền kinh tế của đất nước phục hồi và phát triển.
Trong quý 2/2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,42%.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay,” trong những thành tựu đó, việc quy tụ, đoàn kết, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó chính là kết tinh sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta với tinh thần: "Tiền hô hậu ủng," "Nhất hô bá ứng," "Trên dưới đồng lòng," "Dọc ngang thông suốt."
Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa."
Thực tế cho thấy mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đều xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, xác định mục tiêu hạnh phúc, ấm no của nhân dân là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; đồng thời phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam.
Năm 1988, Việt Nam nằm trong nhóm có mức GDP bình quân đầu người thấp nhất thế giới với chỉ dưới 100 USD/người.
Từ năm 2008, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt mốc 1.000 USD. Trong giai đoạn 2010-2023, GDP bình quân đầu người liên tục tăng lên và đến năm 2023 đã đạt mức 4.284 USD/người. Mức tăng này là minh chứng cho nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hướng tới người dân được thụ hưởng từ những thành quả tăng trưởng.
Mặc dù các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị dùng mọi thủ đoạn thâm độc hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại đất nước ta từ bên trong, kể cả tiến hành hoạt động khủng bố, người dân vẫn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Việc các đảng viên, tổ chức Đảng vi phạm bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua cho thấy Đảng ta luôn coi trọng kỷ cương, kỷ luật để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh - nhân tố quyết định sự ổn định và phát triển bền vững của Việt Nam.
Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là yếu tố then chốt quyết định thành công. Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh trong Di chúc: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình."
Thấm nhuần lời căn dặn đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta không ngừng tiếp nối và phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm cao, giữ vững và phát huy hơn nữa cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước ta vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.