Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp Ban Thư ký Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức Hội thảo "Tận dụng kỹ năng tài chính số đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSMEs) do nữ làm chủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng bao trùm dưới ảnh hưởng của COVID-19". Hội thảo là sáng kiến do Việt Nam xây dựng, đề xuất và được Nhóm Đối tác Chính sách Phụ nữ và Kinh tế APEC (PPWE) thông qua năm 2019. Sáng kiến được các thành viên APEC ủng hộ mạnh mẽ với 13 nền kinh tế tham gia đồng bảo trợ và phối hợp triển khai sáng kiến.
Hội thảo tập trung thảo luận tác động của đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) do phụ nữ làm chủ, cơ hội và tiềm năng mà tài chính số (Fintech) đem lại cho các nữ doanh nhân trong quá trình tiếp cận nguồn lực, từ đó đề xuất các giải pháp để tận dụng hiệu quả Fintech nhằm thúc đẩy sự phục hồi của doanh nghiệp nữ, đóng góp vào các nỗ lực phục hồi kinh tế và tài chính bao trùm hiện nay.
Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (phải) và ông Francois Painchaud - Trưởng Đại diện Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam
Phát biểu tại Phiên khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Fintech đang đóng vai trò ở tuyến đầu trong thúc đẩy bao trùm tài chính trước những cú sốc kinh tế. Tận dụng hiệu quả Fintech giúp MSMEs do phụ nữ làm chủ, cũng như các nhóm dễ bị tổn thương khác sử dụng hiệu quả nguồn tài chính mà trước đây khó tiếp cận thông qua các ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống.
Còn ông Francois Painchaud - Trưởng Đại diện Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhấn mạnh, Fintech đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu các ảnh hưởng kinh tế - xã hội từ đại dịch COVID-19. Ông khẳng định những tác động tích cực của Fintech tới tăng trưởng kinh tế và thu hẹp khoảng các giới. Đồng thời nhấn mạnh phụ nữ là một trong những ưu tiên hàng đầu, cần đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong giai đoạn hiện nay.
Tiến sĩ Rebecca Fatima Sta Maria - Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC
Tiến sĩ Rebecca Fatima Sta Maria - Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC chia sẻ, doanh nghiệp MSMEs do phụ nữ làm chủ đang phải chịu những gánh nặng và áp lực từ tác động tiêu cực của các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại trong quá trình ứng phó với COVID-19. Bà nhấn mạnh APEC cần tiếp tục vai trò dẫn dắt hàng đầu trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cần đặt phụ nữ vào trung tâm của quá trình phục hồi kinh tế. Các thành viên APEC cần tập trung không chỉ vào giải quyết các thách thức mà còn cả vai trò và đóng góp của phụ nữ trong ứng phó với đại dịch và quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Trong đại dịch, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tất cả các yêu cầu kinh doanh của doanh nhân nữ là điều đặc biệt cần thiết. Điều này càng quan trọng hơn cho doanh nhân nữ ở vùng nông thôn do hạ tầng kém phát triển hơn và thiếu cơ hội tiếp cận kiến thức công nghệ. Các tổ chức tài chính vi mô và các quỹ tín dụng nhân dân nên giúp đỡ doanh nhân nữ vùng nông thôn tiếp cận các nguồn tài chính trong khả năng chi trả thông qua công nghệ. Qua đó, bảo đảm các cơ hội tốt hơn cho phát triển hay phục hồi việc kinh doanh bị gián đoạn bởi dịch bệnh.
PV