Đại sứ Đinh Toàn thắng phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Ngày 7/10, tại trụ sở tập đoàn Schneider Electric ở thủ đô Paris (Pháp), một buổi tọa đàm kinh tế với chủ đề "Nắm bắt những cơ hội kinh doanh tại Việt Nam trong chuyển đổi số và năng lượng" đã được tổ chức sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp, nhà đầu tư của hai nước.
Sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Việt Nam (CCIFV), Công ty FPT Software Europe và Schneider Electric tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Đại sứ Đinh Toàn Thắng tại Schneider Electric nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao chủ đề trao đổi về vấn đề chuyển đổi số và năng lượng, hiện là nội dung mà cả Việt Nam, Pháp và quốc tế đang quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Đại sứ nhấn mạnh: "Chính phủ Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, các nhà đầu tư được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác."
Đại sứ cho biết hoạt động đầu tư nước ngoài đang ngày càng sôi động tại Việt Nam, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đang có mặt tại Việt Nam với quy mô vốn và chất lượng dự án ngày càng gia tăng. Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng chia sẻ: "Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư Pháp tiếp tục tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu."
Đại sứ cam kết Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sẽ "cố gắng phát huy vai trò là cầu nối giữa hai nước, đồng hành với các đối tác để cùng hợp tác phát triển bền vững, hướng đến sự thành công và hiệu quả của hai bên, góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp."
Phần trình bày của các diễn giả đến từ tập đoàn Schneider Electric, cơ quan CCIFV, bộ phận Xúc tiến đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và đại diện tập đoàn FPT tại châu Âu đã góp phần giúp các khách mời tham gia tọa đàm cùng doanh nghiệp Pháp hiểu thêm về những hoạt động phát triển kinh doanh thành công của Schneider Electric tại Việt Nam, những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách nhiều ưu đãi với doanh nghiệp nước ngoài, sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Pháp bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước, mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ và tạo điều kiện để hợp tác, kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Jacques Perrochat, Giám đốc quan hệ công nghiệp và lãnh thổ của Schneider Electric cho biết: "Sự kiện này rất quan trọng đối với tập đoàn Schneider Electric. Qua đó, chúng tôi hiểu thêm về sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như các cơ hội thành lập các cơ sở công nghiệp hoặc dịch vụ kinh doanh ở Việt Nam. Phần trình bày rất thú vị của các diễn giả đã cho thấy Việt Nam là một quốc gia vô cùng hấp dẫn."
Ông cho biết tập đoàn Schneider Electric đã có mặt tại Việt Nam từ hơn 25 năm và sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào thị trường này.
Đại diện Tập đoàn Schneider Electric giới thiệu mô hình đầu tư thành công tại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN)
Với ông Adam Koulaksezian, Giám đốc CCIFV, tọa đàm là dịp để chia sẻ thông tin, giải đáp thắc mắc và giới thiệu về môi trường đầu tư, cũng như các cơ hội kinh doanh ở Việt Nam.
Ông nhấn mạnh: "Hai văn phòng của chúng tôi tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh làm việc rất chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đối tác của chúng tôi cũng là các hiệp hội nghề nghiệp, do đó chúng tôi có thể giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp, kết nối và khuyến khích các công ty Pháp đầu tư vào Việt Nam."
Đồng tổ chức buổi tọa đàm, ông Jérôme Modoloe - CEO FPT Software Europe, cho biết công ty thành lập năm 2008 và trực thuộc tập đoàn FPT Việt Nam, từng làm việc với nhiều tập đoàn công nghiệp lớn tại Pháp nhằm giúp họ "phát triển và hội nhập, đáp ứng nhu cầu kinh tế về tiết giảm năng lượng, tăng năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất."
Đây cũng là lý do FPT Software Europe phối hợp với một đối tác như Schneider Electric, công ty toàn cầu lớn ở Pháp, ở ASEAN và đặc biệt là ở Việt Nam.
Theo ông Đào Quốc Cương, phụ trách xúc tiến đầu tư bên cạnh Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, "hiện đang có một làn sóng các doanh nghiệp châu Âu đổ về Việt Nam trong đó có một số tập đoàn Pháp và nội dung của hội thảo sẽ đóng góp một phần cho việc dịch chuyển các dòng vốn đầu tư của nhà đầu tư Pháp vào Việt Nam."
Buổi tọa đàm doanh nghiệp đã diễn ra trong không khí cởi mở và chủ động, có sự tham gia thảo luận của cả hai bên.
Cộng đồng doanh nghiệp Pháp đặt rất nhiều câu hỏi về các lĩnh vực đầu tư ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới, thuế suất ưu đãi tại các khu công nghiệp Việt Nam, chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tiềm năng, chiến lược và chính sách phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam...
Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp Pháp cũng kỳ vọng Việt Nam cần mở cửa mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, đặc biệt trong việc tạo cơ sở hạ tầng xanh để gây ấn tượng với các nhà đầu tư chất lượng cao, dẫn dắt chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Ngay sau buổi tọa đàm, ông Luc Rémont, Phó Chủ tịch tập đoàn Schneider Electric đã có buổi tiếp và làm việc song phương với Đại sứ Đinh Toàn Thắng.
Ông Luc Rémont khẳng định cam kết phát triển hoạt động kinh doanh và đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam, thị trường Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng và chiến lược của tập đoàn tại khu vực châu Á trong hơn 25 năm qua, với tốc độ lớn mạnh không ngừng, sản phẩm của tập đoàn có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành và nhiều khu đô thị phức hợp, tòa nhà cao tầng lớn tại Việt Nam như Landmark81, Bitexco, Parkhill Timescity...
Ông bày tỏ mong muốn trong năm nay và những năm tiếp theo sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực từ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Đại sứ ghi nhận và khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành, qua đó là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư-thương mại của cộng đồng doanh nghiệp hai nước nói chung và của Schneider Electric nói riêng tại Việt Nam.
Bên lề cuộc họp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cùng đại diện doanh nghiệp của hai nước cũng đã dành thời gian thăm quan căn hộ mẫu và trung tâm đổi mới sáng tạo "l’Innovation Hub" được thiết kế tại trụ sở tập đoàn.
Những thiết kế thử nghiệm và mô phỏng này cho phép khách hàng thực hiện các trải nghiệm độc đáo xung quanh các giải pháp và sản phẩm của Schneider dành cho khu dân cư của các tòa nhà đô thị như hệ thống chiếu sáng và cửa chớp kết nối, kiểm soát thông minh về thiết bị sưởi ấm và tiêu thụ năng lượng, tích hợp năng lượng tái tạo, quản lý an toàn và chất lượng không khí ở bên trong căn hộ.
Schneider Electric là tập đoàn đa quốc gia của Pháp với hơn 180 năm hình thành và phát triển, là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ điện tử, số hóa các chương trình quản lý năng lượng và tự động hóa.
Tính đến nay, tập đoàn đã có mặt tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, các sản phẩm của Schneider Electric phục vụ đa dạng các phân khúc thị trường: gia đình, tòa nhà cao tầng, trung tâm dữ liệu, cơ sở hạ tầng và công nghiệp… với chất lượng an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy./.
Theo TTXVN/Vietnam+