Dịch vụ CAMSHIP tồn tại và phát triển tốt trong đợt dịch COVID-19 và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Campuchia trong thời điểm khó khăn đầu năm nay. (Ảnh: Nguyễn Hùng/Vietnam+)
Ứng dụng truyền thông marketing, công nghệ hóa các dịch vụ cũng như quản lý nhân sự, mạnh dạn triển khai mô hình kinh doanh sáng tạo đã trở thành lợi thế cạnh tranh của rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tại thị trường Campuchia, đặc biệt trong giai đoạn đầy khó khăn do các tác động của dịch COVID-19.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Campuchia ở mức âm 1,7% trong năm 2020, trong khi Chính phủ Campuchia vừa công bố kế hoạch cắt giảm ngân sách năm 2021 xuống còn 4 tỷ USD.
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát kể từ đầu năm nay tàn phá nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á.
Đầu tháng 6/2020, Bộ Lao động Campuchia thông báo khoảng 110.000 lao động nước này phải nhận trợ cấp thất nghiệp, hàng nghìn người dân Campuchia phải nhận những gói cứu trợ bằng tiền mặt hoặc bằng lương thực và các nhu yếu phẩm khác.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần nửa triệu người lao động trong các ngành may mặc, du lịch và khách sạn.
Trong bối cảnh đó, điều đáng ngạc nhiên là không ít doanh nghiệp Việt Nam, hoặc doanh nghiệp gốc Việt lại bền bỉ vượt khó, tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở thị trường Campuchia, tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định cho người lao động bản địa.
Những người trẻ
Sáng tạo và thích ứng nhanh với tình hình là đặc điểm chung của khá nhiều những “ông chủ” doanh nghiệp Việt kiêm giám đốc, tuổi đời chưa quá 30 nhưng đã điều hành những đơn vị kinh doanh có từ 30-40 nhân viên người bản địa.
Doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã đi một bước khá xa nhờ có các nền tảng công nghệ kinh doanh tốt hơn so với mặt bằng chung tại thị trường Campuchia.
Từ đó, họ đã biết cách khai thác triệt để những nét tương đồng về văn hóa và thói quen tiêu dùng ở Campuchia để đạt hiệu quả kinh doanh.
Nhân viên công ty Farax lắp đặt hệ thống camera tại khu biệt thự Orkide Villa, Phnom Penh. (Ảnh: Nguyễn Hùng/Vietnam+)
Anh Trần Văn Nam, 28 tuổi, Giám đốc Horizon Care Cambodia Co.,Ltd, công ty kinh doanh thực phẩm chức năng, chia sẻ: “Khi Campuchia chưa có một sàn giao dịch thương mại điện tử chính thức, việc tạo dựng niềm tin với khách hàng là vô cùng quan trọng. Công ty chúng tôi luôn chủ trương phải đưa ra thị trường những sản phẩm tốt, có chất lượng. Đó là yếu tố quan trọng nhất.
Horizon Care hợp tác với một số nhân vật nổi tiếng ở Campuchia để quảng cáo cho sản phẩm của công ty. Công ty liên tục đăng những phản hồi của khách hàng. Khi khách hàng có những phản hồi tốt trên mạng xã hội, trên fanpage của công ty, người ta sẽ có thêm nhiều niềm tin vào sản phẩm của công ty.”
Khi đường biên giới bị buộc phải đóng cửa nhằm đảm bảo cho các biện phòng dịch COVID-19 cũng khiến hoạt động vận chuyển, cung ứng các nguồn hàng hóa nguyên liệu nói chung của nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn, thậm chí bị ngừng hoàn toàn.
Giám đốc công ty kinh doanh đồ da Thavi Leather Trần Trọng Phi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Nguyễn Hùng/Vietnam+)
Với anh Trần Trọng Phi, 27 tuổi, Giám đốc công ty kinh doanh đồ da Thavi Leather thì bài học rút ra là phải đa dạng hóa nguồn hàng nhập từ nhiều nước.
Thavi Leather là đơn vị chuyên về kinh doanh thương mại điện tử nên đã mau chóng điều chỉnh nhân sự sang hoạt động tại nhà 100%, thích hợp với thời COVID-19 và tìm được những nguồn hàng khác trực tiếp từ Việt Nam đưa sang, để việc vận chuyển được nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Dự phòng nhiều nguồn cung ứng nhưng quản lý nhân sự hoạt động online vẫn là nhân tố mấu chốt.
Ông chủ Thavi Leather cho biết: “Về nhân sự làm việc tại nhà, bên công ty vẫn đảm bảo mức lương như cũ, nhưng chúng tôi áp dụng các tiêu chuẩn KPI vào quản lý từng người để đảm bảo được hiệu quả, chất lượng công việc.”
Đầu tư nhân lực là yếu tố quyết định
Không có được nguồn vốn dồi dào như nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại thị trường Campuchia, không ít công ty gốc Việt tại đây lại chọn hướng đi đầu tư nguồn nhân lực làm trọng điểm, để xây dựng một dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Theo ông Đỗ Hoàng Việt (37 tuổi), Giám đốc Công ty dịch vụ logistics và công nghệ Farax, thì kỹ năng và trình độ của nhân viên là nền tảng cho đơn vị tồn tại và phát triển: “Tại Farax, chúng tôi xác định đây là doanh nghiệp của người Campuchia, nên rất chú trọng đầu tư đào tạo nhân lực, các kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao, kể cả ở trong nước lẫn cử ra nước ngoài đào tạo.”
Giới thiệu sản phẩm công nghệ cho khách hàng tại Công ty Farax. (Ảnh: Nguyễn Hùng/Vietnam+)
Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, khi nhiều doanh nghiệp tại Campuchia phải ngừng dịch vụ, hoặc hoạt động cầm chừng, Farax khá thành công với việc chuyển đổi theo xu thế công nghệ hóa với việc đầu tư vào dịch vụ phát hàng thu hộ tại Phnom Penh có tên là CAMSHIP.
Đây là một trong những dịch vụ tồn tại và phát triển tốt trong đợt dịch COVID-19 và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân Campuchia trong thời điểm khó khăn đầu năm nay.
Nông nghiệp bền vững
Ở quy mô lớn hơn, đầu tư nông nghiệp của Việt Nam tại Campuchia đang chứng tỏ sức mạnh và sự bền vững ngay cả trong thời kỳ dịch COVID-19.
Sau gần 3 năm hợp tác đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tại Campuchia, công ty liên doanh THADI của Việt Nam đã mở rộng và phát triển trong nhiều hoạt động như trồng cây ăn trái, ngũ cốc, lâm nghiệp, cung ứng vật tư nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, thu hút khoảng 3.500 lao động người địa phương.
Hoạt động sơ chế sản phẩm tại nông trường của Công ty Cổ phần sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp THADI. (Ảnh: Nguyễn Hùng/Vietnam+)
Trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế của Campuchia sa sút, hàng chục nghìn người lao động bị thất nghiệp hoặc nghỉ việc tạm thời, thì hoạt động sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của THADI được duy trì ổn định, phát huy thế mạnh và tính bền vững, tạo nhiều công ăn việc làm cho đất nước Campuchia.
Trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Campuhia, ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC), tổ chức đại diện cho khoảng 30 doanh nghiệp lớn của Việt Nam, cho biết: “VBCC sẽ đề nghị Chính phủ Campuchia có những chính sách như tiếp tục giảm thuế đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Thứ hai là giảm bớt các thủ tục nộp thuế để các doanh nghiệp có thời gian và nguồn lực để phục hồi hoạt động kinh doanh hậu dịch COVID-19.
Chủ tịch VBCC Nguyễn Thanh Dũng cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt cần kết nối mạnh mẽ hơn, chia sẻ để cùng nhau đứng vững và tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại thị trường Campuchia sau thời kỳ COVID-19. (Ảnh: Nguyễn Hùng/Vietnam+)
Và thứ ba là đề xuất Chính phủ Campuchia chỉ đạo cho Ngân hàng Quốc gia Campuchia đề nghị các ngân hàng thương mại có các chính sách hỗ trợ về vốn với mức lãi suất phù hợp để các doanh nghiệp chúng ta có đủ nguồn lực tiếp tục phát triển sau thời kỳ dịch bệnh.”
Trong bối cảnh khó khăn chung do dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia và kể cả những doanh nghiệp Khmer gốc Việt đã chứng tỏ sức cạnh tranh bền bỉ, tìm ra những cơ hội để phát huy lợi thế về công nghệ, chi phí dịch vụ phù hợp.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, quan trọng nhất hiện nay là cộng đồng doanh nghiệp Việt cần kết nối mạnh mẽ hơn, chia sẻ để cùng nhau đứng vững và tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại thị trường Campuchia sau thời kỳ COVID-19./.
Theo vietnamplus