Ông Quốc đau đáu về người cha ruột của mình - QUANG VIÊN
Hẹn gặp, ông bảo với tôi: “Nhà báo phải tới nhà vào buổi sớm. Nếu tới trưa, nắng nóng không thể ngồi nổi trong căn nhà lợp tôn, thuê 1,5 triệu đồng/tháng đâu nghe”. Theo chỉ dẫn của ông Quốc, tôi phóng xe đến ấp 3, xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh, TP.HCM. Căn nhà thuê của ông nằm trong hẻm nhỏ vòng vèo của khu dân cư rất nghèo, tìm toát mồ hôi rồi... cũng gặp.
"Nghèo khó, đau khổ, thất học... khiến tôi như con thú hoang"
Ông Quốc sinh năm 1969 ở Tuy Hòa (Phú Yên). Từ nhỏ đến 1975, ông sống với bà ngoại nuôi Nguyễn Thị Tuyết Minh (còn gọi là bà Thừa) tại khu Chóp Chài. Sau đó, sống với mẹ nuôi là Nguyễn Thị Tuyết Khánh (đi Mỹ năm 1972). Nhà mẹ nuôi còn có người em Nguyễn Cao Ly.
Cho đến bây giờ, ông Quốc chưa hề gặp mẹ ruột. Ký ức về người cha cũng rất mờ nhạt. “Chỉ nghe ngoại nuôi nói ba là đại úy phi công, đóng quân ở sân bay dã chiến Chóp Chài thuộc tỉnh Phú Yên”, ông nói.
Cháu đi học không được thêu tên trên áo. Đi thi thì phải chờ đến cuối cùng mới có tên vào phòng với các bạn học chính thức. Cháu cũng từng đánh nhau với những bạn bè khi họ ác ý trêu rằng: “Ba mày lai Mỹ, mẹ mày lai Miên, còn mày lai ch... Con gái ông Nguyễn Việt Quốc |
Sau 1975, ông Quốc vào Nha Trang, tá túc ở nhà thờ. Được cho đi học, nhưng mỗi lần đến trường bị bạn học trêu “Mỹ lai”, ông tức quá đánh lại, rồi bỏ học năm lớp 6. “Người nuôi mình cũng nghèo quá, cơm không có ăn, áo quần không có mặc. Hai anh em phải mặc đồ may bằng bao cát. Tôi phải đi làm lúc mới hơn 10 tuổi đầu. Ra đồng bắt cá, lên núi đốt than... đem bán kiếm tiền nuôi em”, ông nhớ lại. Người con lai nay đã 50 tuổi nhưng chưa từng gặp cha mẹ ruột - QUANG VIÊN
Lớn hơn một chút, ông Quốc đi gỡ phế liệu. Một hôm, ông lượm được quả mìn rồi cưa lấy thuốc nổ bắn cá, lấy nhôm bán. Chẳng may quả 81 nổ, mảnh xuyên mắt cá chân, tay đứt 3 ngón. Ông đưa cho tôi xem bàn tay bị thương và nói: “Quả 81 nổ, bị vậy đại may. Có người đi cùng với tôi đã bỏ mạng vì cưa mìn”.
Năm 1989, bà ngoại nuôi và đứa em lai khác cha của ông tên là Nguyễn Cao Ly được đi định cư ở Mỹ vì còn có đầy đủ giấy tờ chứng minh. Còn với ông Quốc, những giấy tờ cần thiết để đủ điều kiện định cư ở Mỹ theo diện con lai đã bị một người khác chiếm đoạt. Giọng trầm buồn, ông Quốc tâm sự: “Một mình ở lại bơ vơ. Nghèo khó, đau khổ, thất học... khiến tôi như con thú hoang”.
Ngay năm đó, ông lang bạt vào Sài Gòn, xin vào ở nhà một người quen để làm phụ hồ. Tuần đầu chưa quen việc, bị cai thầu chửi, cuối tuần không phát lương, ông Quốc uất nghẹn bỏ việc.
“Đói quá, trở thành thằng ăn trộm. Tôi chuẩn bị một cây súng giả, dao rồi đột nhập vào một nhà ăn trộm. Ý định của tôi khi lấy được tiền, nếu bị phát hiện sẽ mang dao và súng giả ra dọa để thoát thân. Nhưng cuối cùng tôi bị bắt”, ông nói.
Ông Quốc nhớ như in: “Tháng 4.1989 tôi bị bắt. Sơ thẩm kết án 9 năm. Phúc thẩm còn 7 năm. Ở tù ở trại giam Đồng Găng (Khánh Hòa) được 3 năm, được tạm hoãn thi hành án vì bị bệnh phổi và đường ruột”. Dù hoàn lương, ông Quốc vẫn chưa hết bị ám ảnh bởi điều tiếng con lai, tù tội... - QUANG VIÊN
Ra tù, nghĩ đến những người con lai được đoàn tụ với cha, trong đó có đứa em nuôi như mình, nhiều lần ông Quốc tự hỏi “tại sao mình lại ra nông nỗi này?”. Bản năng thú hoang của ông lại trỗi dậy. Ông đến gặp người giữ giấy tờ chứng minh con lai của mình mà họ viện cớ đã mất, để hỏi cho ra lẽ.
Ông kể: “Tôi đột nhập vô một đơn vị quốc doanh đánh cá ở Nha Trang lấy cắp một khẩu súng AR 15. Lúc đó các đơn vị này được trang bị súng. Tôi đi bộ băng rừng 3 ngày 2 đêm tìm đến nhà người giữ giấy tờ của tôi. Lúc đó, dự tính nói với họ nếu không trả giấy tờ tôi sẽ tự sát. Thế nhưng, có người báo trước nên họ gọi công an đến bắt khi tôi chưa kịp hành động. Tôi đeo thêm án tù 8 năm, chồng thêm 4 năm án cũ thành 12. Vào trại Xuân Phước (Phú Yên) năm 1992, đến năm 2000 thì được đặc xá”.
Ra tù, ông Quốc vẫn lang thang, không nhà không cửa. Sau đó ông gặp cô bạn học cũ. Cô này đã có 2 đứa con nhưng con không cha. Hiểu hoàn cảnh của ông Quốc, cô đề nghị ông về sống chung. Họ trở thành vợ chồng từ đó.
"Nhà tù dạy những bài học làm người "
Hỏi có oán hận cha mẹ không, ông Quốc trầm ngâm lắc đầu: “Không. Nhưng rất buồn. Ước gì tôi gặp lại cha mẹ mình một lần. Dù họ đã bỏ tôi lạc lõng bơ vơ giữa cuộc đời này hơn 50 năm”. Tôi hỏi tiếp: “Có lẽ trong thâm tâm anh mong muốn đi Mỹ để thay đổi cuộc sống?”, ông lắc đầu: “Điều quan trọng tôi muốn tìm lại cha mình. Nếu ổng chết thì còn dòng họ. Còn muốn đi cũng chỉ vì tương lai của những đứa con. Đời tôi coi như bỏ rồi. Vậy mà các con ở đây cũng không được học đến nơi đến chốn dù có đứa rất ham học và học giỏi ”.
Rũ bỏ quá khứ buồn đau, đen tối... tôi tự đứng lên với mong ước sẽ sống tốt hơn, gieo nhân lành để gặt được quả tốt, không chỉ cho mình mà cho con cho cháu về sau Ông Nguyễn Việt Quốc |
Thu nhập chỉ trông chờ vào vợ may gia công đồ tang bữa có bữa không, anh đi làm “thợ đụng” ở chùa, đang ở nhà thuê, gia cảnh quá nghèo đành để con nghỉ học là điều dễ hiểu.
Ông Quốc khi còn làm bảo vệ ở trường mẫu giáo và con gái - QUANG VIÊN
“Gia đình không có hộ khẩu, không có KT3, con không được học chính thức mà phải học theo dạng phổ cập, nhiều điều thiệt thòi lắm. Nghiệt ngã hơn, các con tôi vẫn còn mang tiếng con của người cha lai tù tội. Chúng bị bạn bè bị dè bỉu, xa lánh khi đến trường”, ông kể.
Tiếp lời ba, Hiếu Dung - cô con gái luôn đạt học sinh tiên tiến hoặc giỏi vừa nghỉ học về may đồ tang với mẹ buồn thiu nói: “Cháu đi học không được thêu tên trên áo. Đi thi thì phải chờ đến cuối cùng mới có tên vào phòng với các bạn học chính thức. Cháu cũng từng đánh nhau với những bạn bè khi họ ác ý trêu rằng: “Ba mày lai Mỹ, mẹ mày lai Miên, còn mày lai ch...".
Mới đây, ông Quốc được hội “Tình lai không biên giới” giúp đỡ thử ADN. Kết quả xác định lai châu Âu 48%. Tuy nhiên, ông vẫn chưa kết nối được với phả hệ dòng họ bên cha. Và ông tiếp tục chờ đợi điều kỳ diệu. Giờ đây, mỗi ngày ông đến chùa làm những việc lặt vặt để kiếm tiền về nuôi gia đình.
Cô con gái của ông Quốc luôn đạt danh hiệu học sinh tiến tiến, học sinh giỏi - QUANG VIÊN
Con gái ông Quốc nghỉ học, phụ mẹ may đồ - QUANG VIÊN
Ông Quốc nói: “Tôi có thể làm bất cứ điều gì miễn là không phạm pháp và mất đạo đức để nuôi vợ nuôi con. Tuổi trẻ mình chôn vùi rồi. Mong sao con mình đỡ khổ, có tương lai tươi sáng hơn”.
Từ chuỗi ngày gian khó, tù tội... ông nghiệm ra rằng, nhà tù dạy những bài học làm người. Còn đạo và đời cho ông một cái nhìn nhân ái hơn: “Chuyện gì trên đời cũng có luật nhân quả. Rũ bỏ quá khứ buồn đau, đen tối... tôi tự đứng lên với mong ước sẽ sống tốt hơn, gieo nhân lành để gặt được quả tốt, không chỉ cho mình mà cho con cho cháu về sau”.
Theo thanhnien