Brunei không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng kể từ tháng 5/2020. Singapore tập trung thực hiện xét nghiệm và truy vết; đạt mức 2,2 xét nghiệm/đầu người so với mức chỉ 0,04/đầu người tại Indonesia. Việt Nam có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong khu vực (0,71 trên một triệu người). Ngược lại, Indonesia, Myanmar và Malaysia ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh kể từ cuối tháng Sáu. Campuchia và Thái Lan cũng đã chứng kiến sự gia tăng về cả ca nhiễm và tử vong nhưng ở mức thấp hơn. 

Người dân xếp hàng chờ nạp đầy bình ô-xy cho thân nhân mắc COVID-19 tại một trạm nạp ở Jakarta, Indonesia - ẢNH: AP
Người dân xếp hàng chờ nạp đầy bình oxy cho thân nhân mắc COVID-19 tại một trạm nạp ở Jakarta, Indonesia - Ảnh: AP

Trước tình hình trên, Indonesia đã chuyển đổi gần như toàn bộ dây chuyền sản xuất oxy trong nước theo tiêu chuẩn y tế nhằm đáp ứng nhu cầu từ những bệnh nhân gặp khó khăn về hô hấp. Các bệnh viện ở Malaysia điều trị cho bệnh nhân nằm ở khắp hành lang và trên sàn nhà. Tại thành phố lớn nhất của Myanmar, nhân viên nghĩa trang làm việc ngày đêm để đáp ứng nhu cầu khắc nghiệt về hỏa táng và chôn cất. 

Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á Thái Bình Dương của Hội Chữ thập đỏ quốc tế, cho biết nhiều yếu tố góp phần vào sự gia tăng ca nhiễm gần đây trong khu vực, bao gồm người dân ngày càng mệt mỏi vì đại dịch dẫn đến lơ là các biện pháp phòng ngừa, tỷ lệ tiêm chủng thấp và sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh hơn.

Hiện tại, các quốc gia thực hiện nhiều xét nghiệm hơn như Singapore, Việt Nam xem chừng kiểm soát dịch tốt hơn những quốc gia gặp phải hạn chế về xác định ca nhiễm như Indonesia hoặc Philippines. Mặt khác, quốc gia có chính quyền trung ương mạnh như Brunei, Singapore và Việt Nam cũng dễ dàng huy động các phương pháp tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội tốt hơn. 

Tỷ lệ tiêm chủng thấp và thiếu nguồn cung vắc xin cũng góp phần vào tình cảnh “dầu sôi lửa bỏng” của Đông Nam Á. Dù vậy, tiêm chủng chậm không gây nhiều khó khăn cho Việt Nam, hiện có số ca mắc bệnh trên đầu người thấp nhất Đông Nam Á, dù chỉ mới 2,4% người dân được tiêm vắc xin. Con số này thấp hơn đáng kể so với 5,7% ở Philippines, 7,9% ở Thái Lan và 8,4% ở Indonesia. 

Theo tiến sĩ Swee Kheng Khor, chuyên gia về chính sách y tế tại Malaysia, chiến lược ứng phó dịch bệnh của các nước Đông Nam Á cần được thiết kế tốt hơn, phối hợp nhiều giải pháp được chứng minh tính hiệu quả như thay đổi hành vi (đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn), xét nghiệm, truy vết và cách ly, hạn chế di chuyển ngắn hạn. Các quốc gia cũng cần tiêm chủng càng nhanh càng tốt, đồng thời phát triển dây chuyền sản xuất vắc xin nội địa... 

Các nước Đông Nam Á cần hợp tác tốt hơn và nhìn ra ngoài biên giới của mình để tìm kiếm giải pháp hiệu quả. Một hệ thống mua sắm vắc xin chung có thể giúp giảm chi phí, cải thiện công bằng và tăng sức mạnh đàm phán trước những hãng dược phẩm lớn. Nếu đi đúng hướng, tiến sĩ Swee dự báo khu vực Đông Nam Á có thể cản bước đại dịch và dần phục hồi trong nửa cuối năm 2021. 

Theo phunuonline.com.vn