Buổi trò chuyện do nhóm Vầng trăng tri thức tổ chức ngày 9.9, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, Trần Văn Chánh; thạc sĩ giáo dục Thái Thị Loan, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất…

Văn hóa bản địa ngày một nhạt nhòa

Theo GS Chung Hoàng Chương, Mê Kông có tuổi đời khoảng 17 triệu năm, là con sông lớn ở Đông Nam Á, dài 4.350 km, chảy qua các nước: Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, sau đó đổ ra Biển Đông ở VN. Sông Mê Kông có vai trò rất lớn trong việc hình thành văn hóa bản địa từ bao đời nay.

Dòng sông Mê Kông và câu chuyện gìn giữ văn hóa bản địa - Ảnh 1.

Ghe thuyền vẫn là phương tiện giao thông của nhiều gia đình ở ĐBSCL

C.H.C

GS Chung Hoàng Chương khẳng định Mê Kông là dòng sông Phật giáo, mang đậm dấu ấn của Phật giáo Đại thừa và Tiểu thừa, là dòng sông hiền hòa như bản chất người phương Nam.

Mùa nước nổi là nét văn hóa đặc trưng của ĐBSCL, góp phần hình thành "lời ăn tiếng nói", phương ngữ Nam bộ, tính cách người phương Nam. Tuy nhiên giờ đây việc bị ngăn chặn dòng chảy khiến sông Mê Kông ít còn được bồi đắp phù sa, kéo theo là vô số loài tôm, cá cạn kiệt dần khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. GS Chung Hoàng Chương cho biết sông Mê Kông từng có đến 2.000 loài hải sản nhưng hiện chỉ còn khoảng 1.200 loài sinh sống do mực nước ngày càng thấp, ô nhiễm và đánh bắt cạn kiệt. Dòng sông này nuôi sống 70 triệu người thuộc lưu vực nhưng chịu tác động rất lớn từ "nhân tai".

Theo GS Chương, vùng ĐBSCL là nơi giao thoa các nền văn hóa của người Hoa, người Khmer, người Kinh nên văn hóa rất đa dạng và hậu duệ nên gìn giữ. Miền Tây Nam bộ còn lưu giữ những công trình kiến trúc cổ quý giá, mang đậm dấu ấn riêng nhưng thiếu bảo tồn bài bản nên ngày càng xuống cấp, đặc biệt là nhà thờ tổ của một số dòng họ.

Chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của vùng châu thổ sông Mê Kông nhưng giờ gần như mai một. Tháng 3.2023, UBND TP.Cần Thơ từng triệu tập một cuộc họp với nhiều đơn vị liên quan và lắng nghe ý kiến các chuyên gia văn hóa. Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL TP.Cần Thơ lập đề án bảo tồn, phát huy chợ nổi Cái Răng…

Dòng sông Mê Kông và câu chuyện gìn giữ văn hóa bản địa - Ảnh 2.

GS Chung Hoàng Chương (trái) và nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng

Đ.T

Gìn giữ những gì cha ông để lại

Theo GS Chung Hoàng Chương, gìn giữ văn hóa truyền thống không có nghĩa là khư khư giữ cái cũ mà ngăn chặn sự giao thoa với thế giới. "Xóa bỏ quan niệm trọng nam khinh nữ ở vùng ĐBSCL không phải là chuyện dễ. Từ bao đời con trai vẫn luôn được coi trọng hơn con gái. Chị tư, chị năm trong nhà phải nghỉ học, đi làm nuôi thằng Út sáu được cắp sách đến trường trở thành điều hiển nhiên. Người phụ nữ cực khổ, phải bươn chải buôn bán nuôi chồng, nuôi con. Phụ nữ chính là người nắm giữ văn hóa trong gia đình, cộng đồng nhưng phải chịu hy sinh lớn. Muốn thay đổi phải cần đến giáo dục, tuyên truyền. Khi mở cửa dĩ nhiên có nhiều luồng gió mới lạ thổi vào. Điều quan trọng là chúng ta phải trang bị cho người dân cách phân biệt tốt - xấu, đúng - sai thì không sợ văn hóa bị lai căng", GS Chương nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng cho biết ông từng nghiên cứu nhiều tư liệu nhưng đến giờ vẫn chưa biết ai đã đặt tên sông Mê Kông khi đổ vào VN là sông Cửu Long.

"Tôi đang lên kế hoạch lập dự án Bảo tàng nông nghiệp ĐBSCL, trong đó có một aquarium (khu công viên có bể nuôi cá, loài thủy sinh), một bộ sưu tập về cây, các loài sinh vật, các loại công cụ lao động truyền thống. Còn hiện vật sống thì có những câu chuyện, những nhân chứng sống, phim ảnh, video… tạo cơ hội cho du khách chiêm nghiệm một cách sống động. Bảo tàng này phải kể được câu chuyện lịch sử văn minh và văn hóa của cộng đồng dân cư ĐBSCL", nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết.

Theo ông Trảng, sức mạnh của truyền thông, của nhận thức rất quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa. Giới trẻ phải học hỏi, đọc sách để thêm hiểu biết, từ đó có ý thức trong việc gìn giữ này. "Chúng ta cần có bộ luật nghiêm ngặt hơn về việc bảo vệ môi trường cũng như cách thực thi luật chặt chẽ hơn nữa, từ đó mới hy vọng gìn giữ được những gì cha ông để lại", ông Trảng kết luận.

GS Chương cho rằng oral history (tạm dịch "lịch sử truyền miệng") trong cộng đồng là cực kỳ quan trọng, là chiếc cầu nối gắn kết văn hóa giữa các thế hệ. "Các tác phẩm của Sơn Nam, Huỳnh Ngọc Trảng, Trần Văn Chánh, Nguyễn Ngọc Tư… mang đậm dấu ấn phương Nam rất đáng quý và trân trọng, gìn giữ cho muôn đời sau nét văn hóa bản địa của vùng ĐBSCL", GS Chương nói thêm. 

GS Chung Hoàng Chương (76 tuổi) du học châu Âu năm 17 tuổi, hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TP.HCM; chuyên gia thuộc tổ chức phi chính phủ International Rivers.

Giáo sư có 35 năm giảng dạy tại nhiều trường đại học ở bang California và thành lập Trung tâm Nghiên cứu người Mỹ gốc Việt đầu tiên, đồng thời là Giáo sư Khoa Á-Mỹ học, Đại học San Francisco, Mỹ. 

Theo Thanh niên