VN đề xuất mở cửa bầu trời sau thời gian dài chống dịch - ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Chỉ 3 tỉnh, thành được đón khách nước ngoài
Các chuyến bay vận chuyển hàng hóa hoặc chở khách từ Việt Nam đi vẫn thực hiện theo đề nghị của hãng hàng không và các điều ước quốc tế song phương/đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài ra, các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam phân bổ đều các ngày trong tuần, hạn chế tối đa trường hợp có 2 chuyến bay hạ cánh mỗi ngày tại 1 điểm.
Cụ thể, với Trung Quốc, mở lại đường bay TP.HCM - Quảng Châu với tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Trong đó, phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác linh hoạt bằng máy bay B787 (343 ghế) vào thứ hai hằng tuần. Phía Trung Quốc chỉ định 1 hãng hàng không khai thác bằng máy bay A320 tối đa 200 ghế.
Với Nhật Bản, Cục Hàng không đề xuất nối lại đường bay Hà Nội - Tokyo và TP.HCM - Tokyo với tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên. Vietnam Airlines/Pacific Airlines phối hợp khai thác linh hoạt đường bay Hà Nội - Tokyo bằng máy bay B787 (343 ghế) vào ngày thứ ba hằng tuần. Vietjet Air khai thác đường bay TP.HCM - Tokyo bằng máy bay A321 (240 ghế) vào ngày thứ ba hằng tuần.
Đường bay đến Hàn Quốc, đề xuất Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác đường bay Hà Nội - Seoul với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay B787. Vietjet khai thác đường bay TP.HCM - Seoul bằng máy bay A321.
Đường bay đến Đài Bắc (Đài Loan) cũng sẽ do Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác đầu TP.HCM bằng máy bay B787 và Vietjet khai thác đầu Hà Nội bằng máy bay A320.
Nếu được thông qua, đường bay Campuchia sẽ bay lại với tần suất 1 tuần/chuyến, do Vietnam Airlines khai thác gồm đường bay Cần Thơ - Phnom Penh (Campuchia) (khai thác bằng máy bay A321). Với đường bay Lào, Cục Hàng không hiện chưa nhận được xác nhận trả lời, trong trường hợp phía Lào nhất trí với phương án đề xuất của Việt Nam về tần suất, nhưng đề nghị kết nối Hà Nội, lượng khách tối đa dự kiến nhập cảnh Hà Nội là 350 khách/tuần.
Với kế hoạch khai thác như trên, dự kiến số lượng hành khách nhập cảnh hằng tuần vào khoảng 5.000 khách, trong đó Hà Nội sẽ tiếp nhận tối đa 2.200 khách/tuần, TP.HCM tiếp nhận tối đa 2.450 khách/tuần, Cần Thơ tối đa 400 khách/tuần.
Để có thể triển khai kế hoạch khai thác, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách khi nhập cảnh và công bố danh sách phòng xét nghiệm Real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng cho ý kiến về khả năng đáp ứng cách ly tập trung với công dân Việt Nam về nước tại các địa phương và UBND các địa phương liên quan công bố các cơ sở dùng để cách ly có thu phí với hành khách nước ngoài nhập cảnh với các chuyến bay trên, với số lượng tối thiểu vào mỗi thời điểm đáp ứng lượng khách nhập cảnh của 2 tuần liên tiếp, để cách ly theo quy định.
Chưa “chạm tới” du lịch
Thông tin mở cửa bầu trời khiến không ít người hy vọng ngay đến việc kích hoạt thị trường du lịch, vực dậy các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn đang thoi thóp vì dịch bệnh. Tuy nhiên thực tế không đơn giản.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch VietCircle, cho rằng việc mở đường bay quốc tế đến 6 thị trường trên mang ý nghĩa cho giao thương là chủ yếu, tác động đến du lịch rất nhỏ. Nguyên nhân, một trong những yếu tố tiên quyết cho một chuyến du lịch hiện nay là an toàn. Trong khi đó tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khách đi du lịch phải đối mặt với quá nhiều rủi ro. Chỉ cần 1 người trên máy bay hoặc tại điểm đến nhiễm bệnh là tất cả sẽ phải cách ly, giống trường hợp du khách “mắc kẹt” tại Đà Nẵng đợt vừa rồi. Rủi ro quá lớn thì du khách sẽ không hứng thú với việc đi du lịch.
Đồng tình, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, đánh giá việc mở cửa đường bay trực tiếp đến từng tỉnh tại 6 thị trường thể hiện nước đi thận trọng của Chính phủ. Điều này hạn chế đối tượng, đa phần là các chuyên gia, cán bộ công tác, nhân viên các tập đoàn có nhu cầu vào Việt Nam làm việc hoặc người Việt đi du học, xuất khẩu lao động, chưa nhắc đến du lịch. Theo ông Kỳ, 4 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới hơn 50% tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Các thị trường này đang chuẩn bị bước vào mùa đông, nhu cầu đi biển rất lớn, song không nhiều quốc gia đã mở cửa nên thực chất nhu cầu du lịch là có và khá lớn. Nếu tiếp cận được nguồn khách từ các thị trường này thì chắc chắn ngành du lịch sẽ được “động đậy”. Tuy nhiên khách đi du lịch giai đoạn này sẽ phải tuân thủ nhiều quy định phòng chống dịch như làm xét nghiệm trước khi vào Việt Nam, phải cách ly ít nhất 14 ngày... nên cơ hội cho ngành du lịch là rất nhỏ. Đồng thời, cũng chưa có bất cứ thông báo nào khuyến cáo người dân Việt Nam có thể đi du lịch đến các điểm này.
Do đó, trước thông tin mở lại 6 đường bay quốc tế, các doanh nghiệp vui nhưng còn khá dè dặt, trông chờ vào các bước mở tiếp theo, sâu hơn vào thị trường du lịch.
Điều các doanh nghiệp (DN) du lịch trông chờ nhất lúc này không phải mở cửa du lịch quốc tế mà cần chính sách rõ ràng về du lịch trong nước. Cụ thể, cơ quan quản lý cần nhanh chóng có chính sách cụ thể hỗ trợ các DN, tiếp tục chương trình kích cầu người Việt Nam đi du lịch Việt Nam song song với việc xây dựng bản đồ các điểm đến an toàn. Điều này vừa giúp định hình luồng khách, vừa kiểm soát được dịch bệnh và giúp các DN vẫn có thể tồn tại được bằng nội lực. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel |
Theo thanhnien