Du lịch và những rắc rối về “hộ chiếu vắc xin”
Cập nhật lúc 16:44, Thứ ba, 12/10/2021 (GMT+7)
Từ mùa hè, nhiều quốc gia đã mở cửa đón du khách quốc tế sau khi triển khai thành công chương trình tiêm chủng. Nhưng các vấn đề về việc loại vắc xin nào sẽ được chấp nhận ở từng nước cũng như sự thiếu tương thích giữa các ứng dụng về vắc xin đã khiến nhiều du khách bối rối và thất vọng.
|
|
Nhiều quốc gia đã mở cửa đón du khách quốc tế sau khi triển khai thành công chương trình tiêm chủng |
Nỗi lo về hạn chế vắc xin
Theo Our World in Data - cơ sở dữ liệu của Đại học Oxford - hơn 2,7 tỷ người trên thế giới đã được tiêm chủng đầy đủ với các loại vắc-xin khác nhau về mức độ hiệu quả. Trên khắp châu Á, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nam Mỹ, hàng triệu người đã tiêm vắc xin Sinopharm, Sinovac và các loại vắc xin khác được sản xuất tại Trung Quốc cảm thấy lo ngại khi nhiều quốc gia không công nhận chúng cho mục đích du lịch. Hàng triệu người khác tiêm các loại vắc xin nội địa như Sputnik V ở Nga và Covaxin ở Ấn Độ - vốn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận - cũng bị hạn chế về nơi họ có thể đến.
Tuần qua, Anh đã nới lỏng các quy định về du lịch, mở rộng danh sách các chứng chỉ tiêm chủng mà nước này công nhận từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, tuy nhiên chứng chỉ từ nhiều quốc gia ở châu Phi và Nam Mỹ đã bị loại trừ. Về vắc xin, 27 thành viên Liên minh châu Âu và 26 quốc gia Khu vực Schengen chấp nhận bốn loại vắc xin đã được Cơ quan Dược phẩm châu Âu phê duyệt gồm: AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Nhưng Anh và nhiều quốc gia EU không công nhận vắc xin Sinopharm và Sinovac, mặc dù vắc xin này đã được WHO chấp thuận.
Ngày 8/10, Mỹ cho biết chấp nhận du khách tiêm vắc xin được WHO phê duyệt bao gồm Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm và Sinovac. Với vắc xin Sputnik V, dù đã được phê duyệt ở hơn 70 quốc gia tuy nhiên lại chưa được WHO chấp nhận, do đó vắc xin này khó có thể được thông qua ở Mỹ.
Tiến sĩ Melinda Mills - Giám đốc Trung tâm Khoa học nhân khẩu học Leverhulme tại Đại học Oxford - gọi các quy tắc đang được phát triển là không rõ ràng và vô cùng mâu thuẫn. “Chúng tôi đang thấy những kẽ hở trong các quy định này khi một quốc gia nằm trong danh sách đỏ của một quốc gia này nhưng lại nằm trong danh sách xanh của một nước khác, hoặc một loại vắc xin được chấp nhận bởi một số quốc gia nhưng không được chấp nhận ở nhiều quốc gia khác”.
Bất cập từ hộ chiếu đến thẻ vắc xin
Để tránh các hạn chế, một số khách du lịch đã phải tiêm thêm các loại vắc xin vốn được chấp nhận rộng rãi hơn trên toàn thế giới. Điển hình như cô Anita Engel - quốc tịch Đức làm việc tại Dubai - đã tiêm vắc xin Sinopharm tại UAE vào tháng 6 nhưng sau đó, cô đã tiêm thêm hai mũi vắc xin Moderna khi trở về nhà ở Đức vào tháng 8. “Thế giới đã mở cửa vào mùa hè này, nhưng tôi không thể đi bất cứ đâu với vắc xin Sinopharm. Tôi đã tiêm thêm Moderna ở Đức để có thể du lịch vòng quanh châu Âu và kết nối lại với bạn bè”, người phụ nữ 45 tuổi cho biết.
Cô Engel đã gặp phải các phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm liều thứ hai của vắc xin Moderna nhưng cô chấp nhận. “Tôi cảm thấy thật ngu ngốc vì đã mạo hiểm, nhưng tôi cảm thấy thật tuyệt khi có thể du lịch một lần nữa”, cô nói.
Mới đây, hàng chục ngàn người dân Nga đã đổ xô ra nước ngoài để tiêm vắc xin COVID-19 khi vắc xin Sputnik V vẫn chưa được WHO phê duyệt, khiến nhiều người không thể du lịch nước ngoài. “Gia đình tôi đã tiêm vắc xin Pfizer vì chúng tôi muốn du lịch vòng quanh thế giới”, Nadezhda Pavlova (54 tuổi) cho biết sau khi nhận mũi vắc xin Pfizer vào cuối tuần trước tại một trung tâm tiêm chủng ở Serbia.
Ngoài những rắc rối về vắc xin, du khách nước ngoài còn có thể gặp khó khăn khi tiếp cận các yêu cầu “hộ chiếu” hoặc giấy chứng nhận vắc xin vì các vấn đề tương thích giữa các loại phần mềm xác minh. Vào kỳ nghỉ tháng 9, anh Jason Trentonk - kỹ thuật viên âm nhạc người Mỹ - đã bị một nhà hàng ở Paris từ chối vì người chủ không thể quét thẻ Excelsior Pass của anh, một ứng dụng di động được phát hành ở New York.
Ở Thụy Sĩ hay một số quốc gia khác ngoài EU, du khách ở quốc gia khác phải xin giấy chứng nhận vắc xin cho các hoạt động văn hóa và ăn uống trong nhà, nhưng việc nhận được một chứng chỉ có thể mất đến bảy ngày.
Ông John Morris - 59 tuổi, giáo viên tiếng Anh sống ở Istanbul - cho biết: “Tất cả đều không cần thiết và khó hiểu. Những quy định này chỉ mang tính định kiến đối với các nước đang phát triển. Các chính phủ cần phải đưa ra các quy tắc thực sự có ý nghĩa và được sao lưu bằng dữ liệu thông dụng nhất nếu họ muốn lôi kéo khách du lịch và để mọi người cảm thấy được tôn trọng và tuân theo chúng”.
Theo phunuonline