Hồi tháng 2, Ven Rachna bị triệu tập đến đồn cảnh sát địa phương sau khi mặc trang phục gợi cảm bán hàng trên sóng livestream.
Trang phục của Ven bị coi là gây tổn hại truyền thống của Campuchia. Cô được lệnh không chia sẻ thêm bất kỳ hình ảnh hoặc video nào mặc đồ hở hang tương tự, theo South China Morning Post.
Theo một đoạn video được phía cảnh sát đăng tải, Ven đã xin lỗi về hành động của mình song vẫn tái phạm ngay sau đó. Cô bị tòa án ở Phnom Penh buộc tội liên quan đến chia sẻ nội dung khiêu dâm và bỏ tù 6 tháng. Tuy nhiên, Ven chỉ thụ án 2 ngày rồi được thả.
Chính phủ Campuchia đang trong quá trình thúc đẩy việc thông qua một luật về trật tự công cộng. Các quy định trong đó nhằm kiểm soát cách ăn mặc của người dân và nhiều khía cạnh khác dưới danh nghĩa bảo tồn văn hóa Khmer và "truyền thống dân tộc".
Điều này dấy lên lo ngại rằng nhiều phụ nữ sẽ bị phạt vì ăn mặc hở hang, vi phạm cái gọi là truyền thống và chuẩn mực.
|
Dự thảo luật ở Campuchia đề xuất cấm phụ nữ mặc đồ hở hang, đàn ông để ngực trần hay không được phép đeo khẩu trang. Ảnh:AFP. |
Bộ Nội vụ Campuchia đã hoàn thiện dự thảo luật vào 16/6, gửi đi lấy ý kiến tại các tỉnh trước khi trình Quốc hội biểu quyết. Hơn 21.000 người đã ký vào một bản kiến nghị trên trang web Change.org phản đối dự thảo luật này.
Tháng trước, mạng xã hội dấy lên làn sóng phản đối khi dự luật cấm phụ nữ mặc trang phục "quá ngắn hoặc quá hở hang", đàn ông để ngực trần được công bố. Tuy nhiên theo xem xét của South China Morning Post, phạm vi dự luật này không chỉ dừng lại ở quần áo mà còn cho phép chính quyền phạt người dân nếu gây ồn ào, nói quá to hoặc cấm bán rượu từ 0h đến 6h.
Bên cạnh đó, dự luật còn có thể ảnh hưởng đến người vô gia cư và lao động tự do. Cụ thể, dự luật đề xuất cấm bán hàng một cách "tùy tiện và mất trật tự" nơi công cộng, tạo các gian hàng tạm thời, thu hút khách “theo cách làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng” cùng tất cả hình thức ăn xin.
Không chỉ vậy, các đề xuất còn bao gồm những người tâm thần phải luôn có người giám hộ đi cùng. Một điều khoản khác thì cấm "sử dụng khẩu trang hoặc các hình thức che đậy khác" nơi công cộng hoặc riêng tư, đi ngược lại lời khuyên của Bộ Y tế về việc đeo khẩu trang ở trường học, rạp chiếu phim, trên phương tiện giao thông công cộng nhằm ngăn dịch Covid-19.
|
Một ngư dân sinh hoạt trên thuyền ở Phnom Penh. Nếu dự luật được thông qua, anh sẽ không còn được để ngực trần. Ảnh:DPA. |
Nhiều điều khoản trong dự luật đang bị khoảng 65 tổ chức xã hội cho rằng có thể vi phạm quyền con người và ảnh hưởng đến các nhóm dễ bị tổn thương như lao động nghèo.
Seth Neary - sinh viên, blogger có hơn 20.000 người theo dõi - cho biết cô phải lên tiếng để xóa bỏ những định kiến trong xã hội Campuchia, về dự thảo luật mà cô cho là chính quyền lấy lý do bảo tồn văn hóa để nhắm vào phụ nữ một cách bất công.
"Làm sao mà mặc quần áo hở hang lại phá hủy văn hóa được? Nó chỉ xảy ra bởi thói quen của con người và chúng ta có rất nhiều nền văn hóa cần được bảo tồn. Chính quyền chỉ nghĩ đến thứ có thể phá hủy văn hóa Campuchia mà không nghĩ tới việc bảo tồn các phần khác", cô bày tỏ.
Theo Zing