Một nhà kho chứa vắc xin tại bang Saxony-Anhalt của Đức - CHỤP MÀN HÌNH DER SPIEGEL
Đức đang đang cần mở rộng cơ sở hạ tầng vắc xin, như cuối năm 2020. Tuy nhiên, lần này áp lực lên Đức đang đi theo hướng ngược lại. Thay vì phải xây thêm trung tâm tiêm chủng để đẩy nhanh tiến độ chủng ngừa, đất nước này hiện cần thêm nhà kho vì có quá nhiều vắc xin dư thừa, theo báo Der Spiegel.
Chỉ vài tuần trước, nhiều người không thể tưởng tượng được chuyện này sẽ xảy ra. Khi đó, việc nhận được lịch hẹn chủng ngừa cũng khó như trúng số. Tuy nhiên, hiện tại lịch hẹn của các trung tâm tiêm chủng đầy chỗ trống và tủ lạnh của những nơi này đầy vắc xin chưa được sử dụng. Số liều tiêm bị dư ra không chỉ thuộc loại vắc xin do AstraZeneca và Johnson & Johnson phát triển, vắc xin mRNA của Pfizer/BioNTech hay Moderna cũng lâm vào cảnh tương tự.
Một số bang của Đức đã yêu cầu chính phủ liên bang ngừng gửi vắc xin vì nhà kho đã đầy. Nhiều lọ vắc xin AstraZeneca có nguy cơ quá hạn sử dụng. Do đó, nội các của Đức đã quyết định chia sẻ hàng triệu liều vắc xin cho các quốc gia khác.
Ngày 26.7 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, đã chuyển tài liệu dài 5 trang tới lãnh đạo cơ quan y tế tại các bang.
Theo tài liệu, “do số vắc xin có sẵn đang cao hơn nhu cầu, chính phủ liên bang sẽ không tiếp tục chuyển vắc xin đến các địa phương trong tháng 8”.
Viện Robert Koch (RKI), trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Đức, cho biết tính đến ngày 25.7, 106 triệu liều vắc xin đã được đưa đến các địa phương. Tuy nhiên, Đức chỉ mới tiêm xong 90 triệu liều tính đến ngày 27.7. Tỷ lệ tiêm chủng ở Đức giảm trong khi số vắc xin nhận về ngày càng nhiều. Bộ trưởng Spahn nói Đức dự kiến có hơn 100 triệu liều vắc xin nữa trong quý 3.
Vì vậy, Bộ Y tế Liên bang Đức đang xem xét lại chiến dịch tiêm chủng của nước này. Từ giữa tháng 8, vắc xin sẽ không được phân phối đến các bang theo dân số mà được chuyển đi theo nhu cầu.
Lưu trữ vắc xin Pfizer/BioNTech
Trong lúc đó, Bộ trưởng Spahn sẽ cần tìm các nhà kho lớn hơn để lưu trữ vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna. Đức quyết định lưu trữ số vắc xin này để đáp ứng nhu cầu sắp tới. "Hiện tại Đức không có kế hoạch viện trợ vắc xin mRNA", Bộ Y tế Đức thông báo.
Nước này đang có kế hoạch tiêm nhắc lại cho người già và những người có nhu cầu sức khỏe đặc biệt. Nhu cầu tiêm chủng cho thanh niên và trẻ em ở Đức cũng có thể tăng lên. Vắc xin của Pfizer/BioNTech dự kiến được cấp phép để tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi vào mùa thu năm nay.
Vấn đề lớn ở đây là vắc xin mRNA phải được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C và cần trang thiết bị đặc biệt. Các bang không thể tự làm điều này, vì vậy, vắc xin mRNA ở Đức đang được lưu trữ trong một nhà kho trung tâm do chính quyền liên bang quản lý. Vẫn chưa rõ bao nhiêu liều vắc xin dư ra cần được lưu trữ trong nhà kho này. Song, chính phủ Đức sẽ nhận được hơn 70 triệu liều vắc xin mRNA chỉ trong quý 3.
Không dễ viện trợ vắc xin
Chính phủ liên bang Đức lại hào phóng hơn với các loại vắc xin do AstraZenaca và Johnson & Johnson phát triển. Đầu tháng 7, Đức quyết định tài trợ ít nhất 30 triệu liều vắc xin thuộc hai loại trên cho các quốc gia khác, đặc biệt là nước đang phát triển, vào cuối năm nay.
Đức muốn tặng ít nhất 80% số liều vắc xin dư ra cho chương trình COVAX. 20% còn lại sẽ được viện trợ thông qua các thỏa thuận song phương cho Ukraine, Moldova, Belarus, Armenia, Azerbaijan và Namibia. Vắc xin AstraZeneca sẽ được Đức giao cho COVAX và các quốc gia khác từ tháng 8.
Việc chuyển vắc xin viện trợ đi là điều rất cấp bách. Theo Der Spiegel, hàng chục ngàn liều AstraZeneca sẽ hết hạn ở Đức ngay trong vài ngày tới. Các trung tâm tiêm chủng ở bang Hesse của Đức còn khoảng 200.000 liều vắc xin trong kho. Những mũi tiêm này sẽ hết hạn sớm nhất vào tháng 10.
Dù vậy, Bộ Nội vụ Đức cho rằng “một phần lớn vắc xin từ công ty AstraZeneca sẽ không còn được sử dụng trong các trung tâm tiêm chủng ở Hesse”.
Tuy dư nhiều vắc xin, việc mang chúng đi tặng không đơn giản về mặt pháp lý. Bộ Y tế liên bang Đức cho biết các bang và phòng khám không thể tự tặng vắc xin cho nơi khác vì chỉ chính phủ liên bang mới có thể làm điều này.
BộY tế Đức đang thu gom vắc xin thừa bằng cách cho phép các bang gửi lại vắc xin cho chính phủ liên bang, nhưng với một điều kiện: các mũi tiêm phải còn hạn sử dụng ít nhất là hai tháng.
Theo thanhnien