Người dân Pháp đeo khẩu trang ở trong nhà xem thủ tướng phát biểu qua truyền hình - Ảnh: AFP
Một nghiên cứu tại Mỹ do Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) thực hiện đã đưa ra ý tưởng đề xuất việc "chấm dứt phong tỏa tuần tự theo từng bang". Còn tại Pháp, chính phủ của Thủ tướng Edouard Philippe cũng gợi ý hình thức "chấm dứt phong tỏa theo vùng".
Và nghiên cứu này cũng đề xuất việc giảm phong tỏa theo từng giai đoạn, như sau:
Giai đoạn 1 là giai đoạn mà nước Pháp hiện đang trải qua, với mục đích là làm chậm sự lây lan virus với các biện pháp như đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người tại nơi công cộng và áp dụng hình thức làm việc từ xa (làm việc tại nhà) cho đến khi có dấu hiệu dịch bệnh lắng xuống.
Giai đoạn 2 là "thoát ra khỏi phong tỏa" - một vấn đề mà thủ tướng Pháp cho là "phức tạp một cách đáng sợ" khi phát biểu vào ngày 1-4 vừa qua: "Chúng ta đã đặt hàng nhiều nhóm nghiên cứu về vấn đề này trên các phương diện như thời gian khi nào áp dụng, tính khả thi đến đâu khi rút lệnh phong tỏa theo vùng địa lý".
Xét nghiệm trên diện rộng
Nghiên cứu tại Mỹ đánh giá rằng các bang có thể bắt đầu giai đoạn 2 sau khi hội đủ khả năng chẩn đoán bệnh cho người dân trên diện rộng.
Tại Pháp, Thủ tướng Philippe cũng đề cập tình huống tương tự khi đã có khả năng xét nghiệm huyết thanh, tức là lấy máu để chẩn đoán. Những đợt xét nghiệm hàng loạt sẽ giúp đánh giá được mức độ "miễn dịch cộng đồng" trong dân chúng.
Nghiên cứu của AEI tại Mỹ nhấn mạnh rằng cần phải cách ly các ca bệnh COVID-19 và những ca có tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Tại Pháp, Hội đồng Khoa học đánh giá rằng "chính sách xét nghiệm trên diện rộng" sẽ phải song hành với "chính sách cách ly người bị nhiễm".
Bản báo cáo của Mỹ khuyến cáo trong thời gian đầu sẽ cấm tụ tập trên 50 người: "Những người bị bệnh nên ở nhà và đi xét nghiệm. Môi trường sống sẽ được cải thiện đáng kể. Phải thường xuyên vệ sinh không gian chung, bề mặt tiếp xúc phải được khử khuẩn thường xuyên".
Mở lại trường học và doanh nghiệp
Trong thời gian cách ly ở giai đoạn này, trường học và doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại "và đa số sinh hoạt bình thường sẽ được hồi phục". Những người miễn nhiễm có thể sẽ được quay lại công việc nhưng phải mang khẩu trang bình thường, không cần đến khẩu trang y tế.
Tuy nhiên giai đoạn này cũng vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế tụ tập đông người để đề phòng dịch bùng phát trở lại.
Những người đóng vai cận vệ canh gác trước điện Deoksugung ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã đeo khẩu trang từ tháng 1-2020. Việc đeo khẩu trang đã được nhìn nhận khác đi tại Âu - Mỹ hiện nay - Ảnh: AFP
Giảm phong tỏa tùy độ tuổi
Theo thủ tướng Pháp, những người cao tuổi có thể sẽ phải được cách ly lâu hơn: "Đối với những người trên 60 tuổi, điều quan trọng là phải hạn chế thời gian tiếp xúc trong cộng đồng" cho đến khi đã có được phương pháp điều trị và văcxin phòng ngừa.
Giai đọan 3 chủ yếu là "dỡ bỏ ngăn cách tiếp xúc xã hội" khi tình hình đã được ổn định tuy nhiên vẫn phải áp dụng hình thức "giám sát diện rộng" trong dân chúng.
Tại Pháp, Thủ tướng Édouard Philippe chỉ rõ: "Trên tinh thần tự nguyện, chúng ta sẽ có thể áp dụng các phương pháp này để khoanh vùng lây lan của virus và nắm rõ các tiếp xúc, nhưng hiện nay chúng ta chưa có cơ sở pháp lý và cũng chưa chuẩn bị những cơ sở pháp lý để thực hiện việc khoanh vùng kiểm soát này".
Cuối cùng, giai đoạn sau chót sẽ là "nghĩ đến việc đất nước sẽ phải chuẩn bị để đối mặt với một đe dọa mới từ một căn bệnh lây nhiễm khác", khi đó là giai đoạn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Đức cũng muốn dân đeo khẩu trang
Chính phủ Đức đang soạn thảo một loạt biện pháp, trong đó có bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người và nhanh chóng truy vết những người từng có tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19.
Các biện pháp trên nằm trong dự thảo kế hoạch hành động do Bộ Nội vụ Đức soạn thảo mà hãng tin Reuters có được ngày 6-4. Giới chức Đức cho rằng các đề xuất này có khả năng giữ cho tỉ lệ người bị nhiễm bệnh từ bệnh nhân COVID-19 ở mức dưới 1 người, đảm bảo cuộc sống xã hội dần trở lại bình thường sau khi lệnh phong tỏa kết thúc vào ngày 19-4.
Để điều này trở nên khả thi, các cơ chế sẽ phải được triển khai để truy vết hơn 80% số trường hợp mà những người mắc COVID-19 từng tiếp xúc trong vòng 24 giờ kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh. Khi đó, các trường học sẽ có thể mở cửa trở lại và các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt sẽ được nới lỏng.
Một nhà may ở Berlin (Đức) giới thiệu kiểu khẩu trang thời trang - Ảnh: REUTERS
Cùng ngày, Bộ Nội vụ Đức thông báo tất cả những người nhập cảnh vào Đức sẽ phải thực hiện cách ly trong 14 ngày.
Biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 10-4, dự kiến ảnh hưởng tới phần lớn công dân Đức và các nước Liên minh châu Âu (EU) và những người đang cư trú tại Đức. Những người làm việc trong lĩnh vực y tế các nước EU cũng như những người nhập cảnh Đức vì mục đích công tác trong thời gian ngắn sẽ được miễn trừ các biện pháp này.
Quy định này được Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đưa ra ngày 6-4 tại cuộc họp nội các đang diễn ra, thảo luận các biện pháp chống dịch COVID-19 sau khi kết thúc lệnh phong tỏa.
Cũng tại cuộc họp này, các bộ trưởng Đức nhất trí rằng chính phủ sẽ bảo đảm 100% các khoản tín dụng ngân hàng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng so với mức từ 80-90% đưa ra trước đó.
Cụ thể, Chính phủ Đức cam kết bảo đảm khoản vay 500.000 euro (540.000 USD) dành cho các công ty có quy mô 50 nhân viên và 800.000 euro cho những công ty có quy mô lớn hơn.
Theo Tuoitre