Một buổi sáng cuối tháng 10, góc phố nhỏ thuộc phường Phú Mỹ (Cao Lãnh, Đồng Tháp) nhộn nhịp hơn thường nhật. Đồng hồ điểm 7h, một số đại diện của hội phụ nữ đã kịp có mặt, tất bật chuẩn bị cho chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”.

Hơn 60 phụ nữ từ xã huyện khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều mang theo hy vọng, dự định làm kinh tế, mở rộng kinh doanh, đã tham gia chương trình. Hôm nay, họ bắt đầu ngày mới đầy hứng khởi, hội tụ cùng các chị em chung mục tiêu tự chủ kinh tế, vượt qua khó khăn.

Cả khán phòng như được hâm nóng từ nhiệt huyết của người tham gia. Tất cả chờ đợi đến lượt giới thiệu, chia sẻ kế hoạch ấp ủ bấy lâu. Tôi sẽ mở rộng dịch vụ làm đẹp tại nhà. Tôi muốn tìm nguồn vốn cùng chị em trong ấp buôn bán thủy hải sản khô. Tôi dự định kinh doanh quán ăn…, từng kế hoạch nói ra rành rọt trong niềm hân hoan, như thể lần đầu có cơ hội bày tỏ.

Phụ nữ đến chương trình hội đủ mọi lứa tuổi, có cô gái vừa bước sang đôi mươi, cũng có người tuổi ngoài ngưỡng tứ tuần. Cô Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1971) là một trong số đó. Sau vài lần phụ chùa nấu ăn, cô nhớ mãi món bún riêu cua chay bằng đậu nành, vừa lạ, vừa khơi gợi vị giác. Ngày ấy, cô còn trẻ, thấy gì mới đều học và làm thử.

Người phụ nữ bắt tay nấu thử cho bạn bè và gia đình ăn. Được khen tài bếp núc không thua kém ngoài hàng, cô nung nấu ý định mở quán bún riêu chay đậu nành. Hơn 20 năm trôi qua, ước mơ vẫn ở đó nhưng chưa thể thực hiện, bởi cuộc sống một mình khiến cô không cáng đáng nổi tất cả công việc từ nấu nướng đến phục vụ, dọn dẹp.

Cô nuôi hy vọng một ngày mở quán và chọn công việc trong hội phụ nữ. Thấy không ít người đã bước trên định kiến và vượt chướng ngại vật để chinh phục mục tiêu đặt ra, cô Dung tự nhủ nhất định phải hoàn thành ước mơ, người khác làm được, mình cũng làm được.

Thế rồi, ngày đam mê được đánh thức cũng đến. Khi nhận tin Sunlight phối hợp tổ chức chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, cô Dung xung phong tham gia, chẳng mảy may suy nghĩ.

“Phụ nữ khởi sự kinh doanh đã khó, ngấp nghé U50 như tôi còn khó hơn. Thế nhưng, tôi nhìn thấy nhu cầu thị trường với món chay rất lớn. Bằng kiến thức được học, tôi biết mình cần chọn địa điểm nhiều người ăn chay, sau khi ổn định thì tự trồng rau hữu cơ, đồng thời bán thêm sương sa, sương sáo phục vụ khách”, cô Dung giải thích.

Không mở quán ăn như cô Dung, nhưng Nguyễn Thị Hồng Muội cũng nuôi ước mơ về tiệm làm đẹp suốt những năm học phổ thông. Với Muội, làm đẹp cho người khác cũng là mang đến niềm vui cho mình. Được sự ủng hộ của gia đình, cô gái ấy chọn lớp trang điểm làm nơi dừng chân đầu tiên trên hành trình thực hiện đam mê của mình.

phu nu tu tin lam kinh te anh 1

Với những gì đã học được, Muội tự tin vào tay nghề, duy chỉ thiếu kiến thức về cách chọn địa điểm, đối tượng khách hàng và tính toán chi phí hoạt động. Ở vùng quê Muội sống, việc trao đổi kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp qua các buổi diễn dàn, lớp tập huấn hầu như không có. Bởi, phụ nữ sinh ra và lớn lên tại đây thường chọn trở thành công nhân tại các xí nghiệp, hoặc may mắn hơn, họ sẽ có tấm chồng tốt để yên tâm tề gia nội trợ. Cô gái ấy không chọn hướng đi như bao người, mà quyết tâm với đam mê ấp ủ bấy lâu, với công việc có thể tự chủ về tài chính.

Ngay khi loay hoay giữa muôn vàn nỗi lo, cơ duyên dẫn Muội đến chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”, cô gái tuổi đôi mươi như “nắng hạn gặp mưa rào”. Chương trình có đủ những thứ Muội cần, từ việc xác định yếu tố quan trọng khi khởi nghiệp gồm: Sản phẩm, marketing, con người đến cách đặt tên tiệm và phương pháp kinh doanh hiệu quả. Ước mơ về tiệm làm tóc nhỏ dần hiện ra rõ rệt.

“Phụ nữ ngày càng chăm chút bản thân, quan tâm đến việc làm đẹp, nhưng nơi tôi sinh sống chưa có nhiều địa chỉ trang điểm và đa phần phải đến tận nơi. Tôi sẽ bắt đầu bằng cách trang điểm thuê tại nhà, vừa tiết kiệm chi phí mặt bằng, vừa tìm hiểu nhu cầu khách hàng”, Muội phân tích.

Cô Dung, Muội là hai trong số hơn 60 phụ nữ Đồng Tháp đã được chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” thổi bùng đam mê và tìm thấy điều mình cần.

“Phần lớn phụ nữ giữ vai trò nội trợ, chăm sóc gia đình nên hạn chế nguồn thu nhập, thiếu cơ hội phát triển công việc ổn định. Thế nhưng, việc độc lập về tài chính rất đáng được hoan nghênh, có thể đóng góp vào kinh tế gia đình và hướng đến cuộc sống hạnh phúc hơn”, lời bà Nguyễn Thị Minh Tâm - Giám đốc ngành hàng Chăm sóc nhà cửa của Unilever Việt Nam - như nói thay nỗi lòng của tất cả phụ nữ có mặt tại sự kiện.

Từ trăn trở giúp chị em tự tin phát huy khả năng, Sunlight bắt tay đối tác chiến lược Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op) triển khai chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”. Hai thương hiệu gặp nhau ở tinh thần gắn bó và mong muốn hỗ trợ phụ nữ có thêm thời gian cho bản thân, bên cạnh việc chăm sóc gia đình.

“Một trong những đối tượng Sài Gòn Co.op quan tâm ngay từ ngày đầu thành lập là phụ nữ. Chúng tôi muốn ngoài việc nhà, chị em còn có ý tưởng tác bạo hơn và dám hành động để hiện thực hóa. Bằng cách kết hợp chuyên gia, nhãn hàng uy tín, chúng tôi tạo ra lớp đào tạo cung cấp kiến thức thiết thực đến chị em, giúp họ tự tin và thành công trong cuộc sống”, ông Phan Thế Tạo, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh, nhấn mạnh.

phu nu tu tin lam kinh te anh 2

Chỉ với mảnh giấy và cây bút quen thuộc, những người tham gia chương tình có thể viết chi tiết tên cửa hàng, chi phí nhân công, đầu tư mặt bằng rồi phương thức tạo khác biệt để thu hút khách hàng, trả lời câu hỏi: Nếu người khác làm rồi, mình cần thay đổi gì để nổi bật?Những điều này, họ có lẽ không nghĩ đến hoặc khó phác họa rõ ràng nếu vắng mặt tại chương trình, bỏ qua kỹ năng, kiến thức từ chuyên gia.

Hiếm khi nào, những phụ nữ nông thôn quanh năm gắn với nhà cửa, ruộng nương lại mạnh dạn đứng trước hàng chục người phản biện ý kiến, thậm chí chất vấn để chứng minh tính khả thi trong kế hoạch của mình. Hơn tất cả, chính bước chuyển mình mạnh mẽ ấy đã làm nên thành công của chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” đã và đang được tổ chức ở nhiều địa phương trên cả nước.

Không dừng lại ở Đồng Tháp hay Bến Tre, xa hơn nữa, đại diện Sunlight khẳng định sẽ mang chương trình này đến nhiều nơi khác trên dải đất hình chữ S, với kế hoạch tài trợ hơn 1.000 dự án khởi nghiệp trên toàn quốc. Tất cả nhằm hiện thực hóa niềm mong mỏi của thương hiệu từ bấy lâu, rằng: Phụ nữ Việt không giới hạn mình trong quan niệm, suy nghĩ cũ với công việc quanh gian nhà hẹp. Mỗi người đều ẩn chứa tiềm năng riêng và sự hỗ trợ như “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” chính là cú hích khai phá tiềm năng ấy.

 

Theo Zing