|
|
Một nữ cổ động viên Ả Rập Xê Út trên khán đài tại World Cup 2022 |
Sau gần 10 ngày World Cup 2022 khai tranh, Ả Rập Xê Út là một trong những quốc gia có lực lượng cổ động viên hùng hậu tại Qatar. Chiếc áo màu xanh ngọc lục bảo là hình ảnh phổ biến trên khắp Doha. Màu áo của họ chiếm mảng xanh trên vỉa hè và trong tàu điện ngầm. Riêng trong 2 trận đấu đầu tiên của bảng C, họ đã tạo ra một bầu không khí náo nhiệt nhất trên khán đài.
Điều đáng chú ý là, so với nhiều quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông đến Qatar hầu hết là nam giới thì người hâm mộ Ả Rập Xê Út ở Doha bao gồm cả nam và nữ. Theo thống kê, cứ 20 người vào sân vận động thì có 1 người là phụ nữ Ả Rập Xê Út.
3 năm trước, như một phần của loạt cải cách, Ả Rập Xê Út cho phép phụ nữ được rời khỏi đất nước mà không cần sự đồng ý trước của người giám hộ nam của họ. Hệ thống giám hộ ở các nước Hồi giáo vẫn tồn tại và áp dụng cho mọi phụ nữ trong suốt cuộc đời, với vai trò giám hộ được chuyển từ người cha sang người chồng. Nhưng quy định này không còn được áp dụng ở nhiều khía cạnh như trước đây - điều đó có nghĩa giờ đây tất cả mọi người có thể tham dự World Cup.
Tuy vậy, để nói chuyện với các cổ động viên nữ Rập Xê Út trước trận đấu không hề dễ dàng. Những yêu cầu nói chuyện đã bị từ chối một cách lịch sự và những tấm danh thiếp đề nghị cơ hội nói chuyện sau - chỉ nói về bóng đá - đã được trả lại.
Nhưng cũng có một vài người đồng ý. Aliya cho biết cô rất hào hứng khi có 1 trải nghiệm lớn nhất trong đời: "Tôi rất mong chờ sự cổ vũ và nay đã thành hiện thực". Chồng cô nói tiếp: "Đây là World Cup và nó rất ý nghĩa. Chúng tôi sẽ đi đến giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ có các đội nữ và 1 giải đấu nữ. Chủ tịch mới của chúng tôi ủng hộ mọi thứ và phụ nữ là ưu tiên hàng đầu".
|
|
Các cầu thủ Ả Rập Xê Út mừng chiến thắng trước Argentina - Ảnh: AP |
Mariam Meshikhes - bạn của Aliya - chia sẻ: “Đây là World Cup đầu tiên của tôi, đây là trận đấu đầu tiên tôi cổ vũ đội tuyển trên sân vận động. Đó là giấc mơ của tôi từ khi còn nhỏ. Giấc mơ của tôi đã thành hiện thực. Tôi đã xem tất cả các trận đấu của đội tuyển, tôi chỉ ước được xem World Cup trực tiếp trên sân và tôi không thể tin là ngày đó đã đến”.
Mariam chia sẻ, cô là bác sĩ và chồng cô ủng hộ cô đến với World Cup tại Qatar bằng cách ở nhà giữ cặp song sinh. "Ở đâu cũng cần phụ nữ mà phải không? Chúng tôi là đại diện 50% của thế giới. Ở mỗi quốc gia, phụ nữ chiếm một nửa dân số. Với phụ nữ Ả Rập Xê Út, việc có mặt tại World Cup là một trải nghiệm tuyệt vời và nó đánh dấu một bước ngoặt rất lớn" - Mariam nói.
2 năm trước, giải ngoại hạng nữ Ả Rập Xê Út được thành lập, giải đấu cấp quốc gia đầu tiên dành cho các câu lạc bộ nữ. Vào mùa xuân năm nay, 1 sự kiện quan trọng hơn đã diễn ra: trận đấu quốc tế đầu tiên, với đội nữ Ả Rập Xê Út đánh bại Seychelles 2-0 trong trận giao hữu ở Mauritius, bước đầu tiên trên con đường đề xuất lọt vào bảng phân loại chính thức của FIFA.
Sự phát triển của bóng đá nữ diễn ra sau 1 thập niên khi các quan chức Ả Rập Xê Út vận động FIFA cấm đeo khăn trùm đầu trong bóng đá - 1 biện pháp ngăn cản phụ nữ chơi bộ môn này. 5 năm trước, phụ nữ Ả Rập Xê Út không được phép vào sân vận động với tư cách khán giả nhưng lệnh cấm cuối cùng đã được dỡ bỏ vào đầu năm 2018. Những thay đổi này được thực hiện cùng lúc với việc Ả Rập Xê Út muốn khẳng định vai trò trung tâm hơn trong thế giới thể thao, với cuộc chạy đua đăng cai World Cup 2030 đang diễn ra.
Theo phụ nữ TPHCM