Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tháng 4/2016, 4 tỉnh miền Trung xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng khiến hải sản chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn môi trường biển, đời sống dân sinh và ảnh hưởng an ninh trật tự.

Hơn 100 nhà khoa học cùng với các ngành, tổ chức thu thập thu thập dữ liệu có sự phản biện độc lập của chuyên gia quốc tế xác định được nguyên nhân cá chết. Ông Mai Tiến Dũng khẳng định: “Có nguồn thải lớn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đổ ra biển. Đây là nguồn thải lớn nhất, có chứa độc tố di chuyển theo hướng Bắc Nam đến Huế, gây cá chết hàng loạt ở tầng đáy”.

Thủ phạm được xác định là “Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa có vận hành, xả thải có chứa độc tố cianua vượt quá mức cho phép là nguyên nhân gây ra nguyên nhân hải sản chết bất thường trong tháng 4 vừa qua”, ông Mai Tiến Dũng khẳng định.

Lãnh đạo công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa xin lỗi tại cuộc họp báo.

Ngày 28/6, công ty này đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, đồng thời cam kết 5 điểm:

+ Công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã để xảy ra sự cố môi trường này.

+ Bồi thường thiệt hại, chuyển đổi nghề, phục hồi môi trường với tổng số tiền là 11.500 tỷ đồng.

+ Khắc phục triệt để các tồn tại hạn chế của hệ thống xử lý nước thải, không để tái diễn sự cố môi trường mới.

+ Phối hợp với Bộ ngành để có giải pháp đồng bộ, phòng chống ô nhiễm không xảy ra sự cố môi trường tương tự.

+ Thực hiện đúng và đầy đủ cam kết nói trên, không để xảy ra tình trạng tương tự, nếu có sẽ chịu xử phạt theo chế tài pháp luật VN.

Trước đó, ngày 5/5, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: Qua kiểm tra, từ đầu năm 2015 đến hết tháng 4/2016, Formosa đã nhập về gần 384 tấn với 103 loại hóa chất. Trong 4 tháng đầu năm 2016, công ty này sử dụng 51 tấn và còn tồn trong kho 248 tấn hóa chất. Theo ông Đỗ Thắng Hải, những loại hóa chất Formosa nhập về “đã được đăng ký, được chấp thuận nhập khẩu để sử dụng”.


Hệ thống xả thải của Formosa ở Hà Tĩnh.

Ngày 6/4, hiện tượng hải sản chết bất thường ở vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) rồi đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên – Huế với khoảng 70 tấn hải sản chết dạt bờ biển. Hiện tượng cá chết hàng loạt đã khiến đời sống các hộ gia đình ngư dân thuộc 4 tỉnh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì cá biển đánh bắt về không tiêu thụ được. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thủy sản khai thác trong 6 tháng đầu năm của Hà Tĩnh giảm 16.000 tấn; Quảng Bình giảm 23,6 nghìn tấn; Quảng Trị giảm 16.000; Thừa Thiên Huế giảm 13,3 nghìn tấn.

    PV