Data Center này nằm trong Khu Công nghệ cao TP HCM và là trung tâm dữ liệu đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế theo hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh. Trung tâm sử dụng công nghệ DRUPS mới nhất, đang được áp dụng tại các Data Center trên thế giới. Công nghệ này không sử dụng ắc quy nên góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo độ tin cậy cho các hệ thống điện toán đám mây quan trọng.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, cho biết: "Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới đang diễn ra công cuộc chuyển đổi số. Nhu cầu đưa hệ thống, ứng dụng... lên đám mây ngày càng lớn. Do vậy, chúng ta cần có những Trung tâm dữ liệu lớn, tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn về hệ thống, an toàn về dữ liệu, đủ năng lực cạnh tranh với các 'ông lớn' như Microsoft, Google, Amazon".

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom, phát biểu tại lễ khởi công Trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam.

Nền tảng điện toán đám mây vững mạnh được các chuyên gia nhận định là hạ tầng cơ bản cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo Gatner, năm 2020, quy mô của ngành điện toán đám mây toàn cầu ở mảng IaaS (dịch vụ cơ sở hạ tầng) vào khoảng 41,9 tỷ USD, trong khi giá trị của thị trường cloud nói chung lên tới gần 250 tỷ USD.

Tại Việt Nam, quy mô của toàn ngành điện toán đám mây được dự báo tăng từ 165 triệu USD năm 2018 lên 291 triệu USD năm 2024. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đang chuyển đổi ứng dụng lên đám mây, nhưng phần lớn đưa lên các dịch vụ cloud nước ngoài như của Amazon, Microsoft, Google, Alibaba... 

Hệ thống của FPT Telecom thiết kế theo tiêu chuẩn Uptime Tier III - hệ thống tiêu chuẩn đánh giá cao nhất trên thế giới dành cho việc thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý và sự ổn định về dịch vụ của Data Center, gồm các cấp độ từ thấp đến cao là Tier I, Tier II, Tier III và Tier IV.

Trung tâm dữ liệu mới của FPT Telecom dự kiến hoàn thành trong quý I/2021. Hiện tại, trung tâm dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam là của VNPT.

Theo vnexpress