Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza công bố Hiệp ước Rome về y tế. Đây là tài liệu quan trọng để hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng ở tất cả các quốc gia trên thế giới và tái khởi động y tế như một dịch vụ toàn dân - Ảnh: Twitter của ông Roberto Speranza

Theo trang DW của công ty báo chí Đức, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza khẳng định: "Đây là một quyết tâm chính trị để phân phối vắc xin cho toàn thế giới".

Hội nghị khai mạc với tinh thần công nhận tăng cường phân phối công bằng vắc xin COVID-19 cho các nước có nhu cầu là điều kiện quan trọng để chấm dứt đại dịch.

Trong cuộc họp, ông Speranza đã kêu gọi các đại biểu đạt đồng thuận với "Hiệp ước Rome" về phân phối vắc xin. Đây là tài liệu quan trọng để hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng ở tất cả các quốc gia trên thế giới và tái khởi động y tế như một dịch vụ toàn dân. Hội nghị cũng thảo luận về một phương pháp tiếp cận chung để hạn chế các đại dịch kế tiếp. Phương pháp tiếp cận này thừa nhận con người, động vật và môi trường có mối liên hệ lẫn nhau.

Theo ông Speranza, cần rút ngắn khoảng cách về phân phối vắc xin COVID-19 giữa nước giàu và các nước nghèo hơn. "Chỉ có đoàn kết cùng nhau chúng ta mới có thể đảm bảo việc phân phối vắc xin COVID-19 công bằng hơn", ông nói.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh các nước nghèo cần được hỗ trợ để tự sản xuất vắc xin vì việc "gửi vắc xin là không đủ. Chúng ta phải làm cho nhiều khu vực trên thế giới có khả năng sản xuất bằng cách chia sẻ phương pháp và quy trình".

Bên lề hội nghị, ngày 6-9, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết Đức sẽ tặng 100 triệu liều vắc xin COVID-19 trước cuối năm nay cho các chiến dịch tiêm vắc xin quốc tế. Số liều này gần bằng tổng số liều vắc xin đã tiêm cho người dân ở Đức.

Bộ trưởng Spahn cho biết phần đóng góp này sẽ giúp đạt mục tiêu có ít nhất 40% người dân toàn cầu được tiêm vắc xin trước năm 2022.

Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 cho biết các bộ trưởng đã gửi thông điệp mạnh mẽ về hợp tác, đoàn kết và công bằng, không ai bị bỏ rơi trong đại dịch và cam kết đối phó với các khủng hoảng y tế.

Theo DW, các nước phương Tây bị chỉ trích vì đã đặt mua quá nhiều vắc xin và còn đang xem xét tiêm vắc xin nhắc lại cho những người đã tiêm đầy đủ, trong khi nhiều nước khác trên thế giới không có đủ vắc xin để tiêm cho dân số.

Theo tuoitre