leftcenterrightdel
16 lao động Malaysia được cảnh sát Campuchia giải cứu hồi tháng 4. Ảnh:Cảnh sát Campuchia. 

Ông Saifuddin cho biết thêm ngoài các nạn nhân trên, 23 người Malaysia tại Thái Lan, 22 người tại Lào và hai người tại Myanmar cũng vẫn đang ở nước ngoài, theo Khmer Times ngày 5/9.

Trong khi đó, 87 nạn nhân - bao gồm 65 người ở Campuchia, 10 người ở Thái Lan, 10 người ở Lào và hai người ở Myanmar - đã được giải cứu thành công.

“Bộ Ngoại giao đề nghị những nạn nhân của hành vi lừa đảo lao động ở nước ngoài hãy báo cáo vụ việc tới cảnh sát”, ông Saifuddin nói. “Mọi báo cáo hay tài liệu chúng tôi nhận được sẽ được gửi thẳng đến cơ quan đại diện Malaysia ở quốc gia liên quan”.

Ông cũng khuyến cáo người Malaysia nên cảnh giác trước những lời mời làm việc tại nước ngoài, cũng như xin visa lao động trước đó.

“Các nạn nhân bị lừa đảo thường ở độ tuổi cuối vị thành niên hoặc ngoài 20 tuổi. Họ bị thu hút bởi lời đề nghị về mức lương cao trên 2.000 USD, mức trợ cấp cao, cũng như các chính sách phúc lợi khác như nghỉ hưởng lương”, vị bộ trưởng cho biết.

Hôm 2/9, lực lượng hiến binh tỉnh Preah Sihanouk (Campuchia) đã giải cứu ba công dân Malaysia và một công dân Đài Loan (Trung Quốc) ở độ tuổi 19-33 tại thành phố Sihanoukville. Một người đàn ông Trung Quốc bị bắt giữ một ngày sau đó do liên quan đến vụ việc.

Trước đó, hôm 26/8, Quốc vụ khanh kiêm người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia Khieu Sopheak cũng cho biết cảnh sát nước này đã giải cứu một phụ nữ Malaysia trong một chiến dịch truy quét tại Sihanoukville. 11 người - bao gồm cả công dân Trung Quốc và Campuchia - đã bị bắt giữ.

Theo zingnews