Phát biểu tại một sự kiện của các trường da màu ngày 25.9, Tổng thống Joe Biden nói rằng nếu quốc hội không thông qua ngân sách chi tiêu liên bang trước khi tài khóa mới bắt đầu vào ngày 1.10, sẽ có những hậu quả thảm khốc cho cộng đồng da màu như giảm phúc lợi dinh dưỡng, giảm các chuyến kiểm tra cơ sở rác thải nguy hiểm và giảm thi hành luật nhà ở công bằng.
Tổng thống Biden chỉ trích nhóm hạ nghị sĩ bảo thủ của đảng Cộng hòa vì phá vỡ cam kết, được ông và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy nhất trí hồi tháng 6. Trong thỏa thuận nâng trần nợ khi đó, hai vị lãnh đạo đồng ý mức chi tiêu chính phủ cụ thể.
"Chúng tôi đã đạt thỏa thuận, chúng tôi bắt tay. Giờ, một nhóm nhỏ các thành viên cực đoan của đảng Cộng hòa tại Hạ viện không muốn làm theo thỏa thuận đó và tất cả mọi người tại Mỹ có thể đối diện với việc trả giá cho điều đó", Tổng thống Biden nói.
Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack nói với các phóng viên rằng phần lớn trong số 7 triệu người tham gia chương trình trợ cấp lương thực của chính phủ sẽ bị giảm phúc lợi trực tiếp trong vài ngày, thậm chí vài tuần sau khi chính phủ đóng cửa. Chương trình này có tên là Chương trình bổ sung dinh dưỡng đặc biệt cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (WIC) và có gần 50% trẻ sơ sinh tại Mỹ dựa vào trợ cấp WIC.
Ông Vilsack nói rằng Chương trình hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng (SNAP) vẫn duy trì trong tháng 10 nhưng có thể bị ảnh hưởng sau đó. Hơn 40 triệu người Mỹ sống dựa vào SNAP trong năm 2022.
Ngoài ra, Bộ trưởng Vilsack cảnh báo trong giai đoạn chính phủ đóng cửa, các cơ quan dịch vụ nông nghiệp sẽ ngừng cấp tín dụng cho nông dân trong mùa thu hoạch, người mua nhà mới sẽ không thể vay tiền ở các vùng nông thôn. Hơn 50.000 nhân viên Bộ Nông nghiệp sẽ bị cho nghỉ việc không lương tạm thời.
Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cảnh báo việc chính phủ đóng cửa sẽ gây tổn hại mức xếp hạng của Mỹ, hiện ở mức cao nhất (Aaa) nhờ có triển vọng ổn định. Tuy nhiên, "nếu không có một phản ứng chính sách tài khóa hiệu quả nhằm cố gắng loại bỏ những sức ép này, khả năng hứng chịu một tác động ngày càng tiêu cực lên hồ sơ tín nhiệm sẽ hiển hiện. Và điều đó có thể dẫn đến triển vọng tiêu cực, có khả năng giáng cấp vào một thời điểm nào đó, nếu những sức ép này không được giải quyết", nhà phân tích William Forster của Moody's nói với Reuters.
Cuộc khủng hoảng trần nợ công trước đó đã khiến hãng xếp hạng Fitch hạ mức tín nhiệm của Mỹ xuống một nấc còn AA+ hồi tháng 8, tương đương mức xếp hạng của hãng S&P Global đưa ra hồi năm 2011. Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden nói rằng nhận định của Moody's cho thấy những nguy cơ từ các hành động của quốc hội, đồng thời cảnh báo một đợt đóng cửa có thể cản trở động lực kinh tế giữa thời điểm lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp đều ở mức dưới 4%.
Theo Thanh niên