Những quốc gia có nguy cơ, tức những nơi có trẻ em cần thực phẩm điều trị và hỗ trợ chăm sóc, sẽ nằm trong kế hoạch ngăn chặn “sự bùng nổ số ca tử vong ở trẻ em” của UNICEF. Các quốc gia này bao gồm Afghanistan, Nam Sudan, Sudan và Yemen, cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết.

Theo UNICEF, tại những quốc gia này, số trường hợp trẻ em tử vong do suy dinh dưỡng nghiêm trọng sẽ tăng lên mức báo động trong thời gian tới. Cuộc khủng hoảng lương thực đã khiến 260.000 trẻ em đối mặt với nguy cơ này trong năm nay.

Trong số 15 quốc gia, ít nhất 40 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, và 21 triệu trẻ em bị mất an ninh lương thực, theo ước tính của UNICEF.

leftcenterrightdel
 Cuộc khủng hoảng lương thực đã khiến 260.000 trẻ em đối mặt với nguy cơ tử vong do suy dinh dưỡng trong năm nay

Nhâp dịp các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp vào ngày 24/6 trước hội nghị thượng đỉnh G7 ở Berlin, bà Catherine Russel - Giám đốc điều hành của UNICEF - đã tham dự Hội nghị An ninh lương thực toàn cầu và kêu gọi đóng góp 1,2 tỷ USD để ngăn chặn “hàng triệu ca tử vong ở trẻ em” trong bối cảnh khủng hoảng.

“Theo đánh giá của UNICEF, đó là một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Đại dịch COVID-19, xung đột và biến đổi khí hậu đang khiến cho tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng”, bà Russel cho biết tại hội nghị ở Berlin.

“Phạm vi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này đòi hỏi thế giới cần có những hành động vượt ra ngoài các chương trình cứu trợ nhân đạo tức thời. Chúng ta không thể cứu trẻ em khỏi nạn chết đói chỉ bằng những bao lúa mì. Chúng ta cần tiếp cận những đứa trẻ này ngay bây giờ với các liệu pháp điều trị trước khi quá muộn”, bà Russel lên tiếng.

Bà cũng nói thêm rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng, cần đầu tư vào việc xây dựng các chương trình bảo trợ xã hội, thực phẩm bền vững, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, đồng thời giúp các cộng đồng ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Theo phunuonline