leftcenterrightdel
 

Một khảo sát của Clever Real Estate được công bố gần đây cho thấy mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên mới tốt nghiệp tại Mỹ là khoảng 55.000 USD/năm. Tuy nhiên, các bạn trẻ lại kỳ vọng kiếm được khoảng 103.000 USD/năm ở công việc đầu tiên, theo GOBankingRates.

Sự chênh lệch rõ nhất về kỳ vọng và mức lương thực tế rơi vào các ngành Báo chí, Nhân văn, Nghệ thuật tự do. Sinh viên Báo chí kỳ vọng mức lương khởi điểm đạt mức 107.000 USD, trong khi lương khởi điểm trung bình cho ngành này chỉ là 44.800 USD.

Tương tự, sinh viên Nhân văn và Nghệ thuật tự do kỳ vọng kiếm được 105.000 USD ở công việc đầu tiên. Nhưng thực tế, sinh viên các ngành này khi mới ra trường chỉ được trả khoảng 46.500 USD.

leftcenterrightdel
 Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp không hài lòng với mức lương hiện có. Ảnh:YPulse

Do kỳ vọng quá cao về mức lương, nhiều sinh viên cảm thấy không hài lòng với số tiền thực tế nhận được khi đi làm. Trong số những sinh viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp, khoảng 49% cảm thấy không hài lòng với lương khởi điểm. 31% lo lắng các em không đủ tiền để sống thoải mái sau khi ra trường.

Bà Danetha Doe, phát ngôn viên của Clever Real Estate, nhận định việc Gen Z ở Mỹ đang kỳ vọng cao vào mức lương do các em nhận ra cần phải bỏ bao nhiêu tiền hơn mới có được cuộc sống thoải mái.

Bà nêu ví dụ tiền thuê nhà đã tăng 149% kể từ năm 1985, trong khi thu nhập chỉ tăng 35%. Mức sống, chi phí sinh hoạt ở Mỹ tăng cao khiến kỳ vọng về mức lương cao là điều dễ hiểu.

Năm 2019, các sinh viên được Clever Real Estate khảo sát dự kiến kiếm được khoảng 57.900 USD, cao hơn khoảng 10.000 USD so với mức lương khởi điểm trung bình thời điểm đó là 47.000 USD. Chỉ 3 năm sau, sinh viên kỳ vọng kiếm thêm 46.000 USD, tức là khoảng 103.000 USD.

Theo bà Danetha Doe, mức kỳ vọng về mức lương của sinh viên tăng gần gấp đôi một phần là do lạm phát. Năm 2019, lạm phát dao động quanh mức 2% nhưng đến năm 2022 đã lên mức 8%.

Chi phí cho cuộc sống hàng ngày ở năm 2022 cũng cao hơn nhiều so với năm 2019. Do đó, sự kỳ vọng về mức lương tăng lên là để phù hợp với sự gia tăng của chi phí sinh hoạt.

Một nguyên nhân khác có thể là tác động tâm lý do dịch Covid-19 gây ra. Với một số người, đại dịch đã bộc lộ rõ mong muốn làm việc ít đi, tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Điều này có nghĩa là người lao động cần nhận được mức lương cao hơn. Các sinh viên cũng mong muốn nhận được mức lương cao để ưu tiên sức khỏe của bản thân.

Ngoài những thống kê về kỳ vọng mức lương, Clever Real Estate chỉ ra sinh viên Gen Z đang phải đối mặt với nhiều nỗi sợ về tiền bạc. Cụ thể, 30% sinh viên lo lắng các em không có khả năng chi trả những chi phí cơ bản, 29% lại lo lắng không tìm được niềm vui trong công việc.

Sinh viên mới tốt nghiệp lo ngại về nguy cơ phải làm thêm công việc thứ 2. Các em cũng sợ rằng mức lương hiện tại không đủ để thanh toán khoản vay sinh viên hoặc vay tín dụng.

Những nỗi lo này đều có cơ sở. Tại các thành phố lớn ở Mỹ, chi phí để sống thoải mái thường cao hơn mức lương khởi điểm.

Ước tính, một người trưởng thành cần kiếm được ít nhất 74.000 USD thu nhập sau thuế để sống thoải mái ở San Francisco. Trong khi đó, người trưởng thành độc thân cần kiếm 66.000 USD mỗi năm nếu chọn sống ở New York.

Theo zingnews