Ghép da lợn chữa bỏng cho người
Cập nhật lúc 09:59, Thứ bảy, 19/10/2019 (GMT+7)
MỸ - Công nghệ ghép mô tế bào sống biến đổi gene từ da lợn lần đầu tiên được thực hiện cho bệnh nhân bị bỏng cấp độ hai và ba.
Da lợn biến đổi gene dễ dàng tương thích với hệ thống miễn dịch của bệnh nhân bỏng. Ảnh: New Atlas
Công nghệ ghép mô tế bào sống gọi là màng Xeno-Skin được bác sĩ Jeremy Goverman thuộc Bệnh viện MGH lần đầu tiên thử nghiệm lâm sàng lên một bệnh nhân tình nguyện, kết quả công bố hôm 15/10.
Màng Xeno-Skin kích thước 5x5 cm được phủ lên một vết bỏng (ghép da dị loại), bên cạnh đó là một vết bỏng được ghép da đồng loại (da người thân trong gia đình hoặc da của chính bệnh nhân ở vùng lành). Cả hai vết bỏng đều băng bằng ghim phẫu thuật và băng gạc. Bệnh nhân sẽ được tháo gạc 5 ngày sau. Kết quả, cả hai phương pháp có tác dụng như nhau, hầu như không có sự khác biệt nào bên ngoài vùng thương tổn. Những lớp màng này bám vào bề mặt vết thương cho đến khi bệnh nhân ổn định.
Sau đó, bệnh nhân được cấy ghép tự thân (từ da đùi) và vết bỏng dần hồi phục rất khả quan. Điều quan trọng là phương pháp này không truyền các retrovirus nội sinh ở lợn (PERV) sang người, điều mà trước đây đã làm hạn chế sử dụng các phương pháp cấy ghép mô sống hoặc nội tạng từ lợn ở người.
Trước kia, bác sĩ thường áp dụng công nghệ cấy ghép da đồng loại trong điều trị bỏng. Phương pháp này giúp bảo vệ vết thương, chống nhiễm trùng và mất nước, và chống các biến chứng khác có thể gây tử vong. Tuy nhiên, công nghệ này có chi phí cao.
Từ những năm 1990, các nhà khoa học tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH) của Mỹ phát triển một loài lợn biến đổi gene, cho phép da lợn dễ dàng tương thích với hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu hy vọng công nghệ sử dụng da lợn biến đổi gene trong điều trị vết bỏng sẽ được nhân rộng, từ đó tiến tới phát minh các liệu pháp mới hiệu quả cao và chi phí phải chăng trong chữa trị bỏng cũng như cấy ghép da.
Theo
vnexpress