Sau hơn 10 ngày theo dõi tại Bệnh viện dã chiến số 2, Võ Thị Bích Hoa (29 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) và 3 thành viên khác trong gia đình đã được xuất viện.

Cùng lúc này, mẹ và chị của Hoa, 2 F0 xin tự điều trị tại nhà, cũng đã giảm nhanh các triệu chứng bệnh.

Hoa không thể lường trước được cả 6 người trong gia đình mình đều dương tính nCoV. Những ngày đầu biết tin mắc bệnh, cô lo lắng và hoang mang, không dám nghe bất cứ thông tin tiêu cực nào từ báo đài bởi sợ ảnh hưởng đến tinh thần.

                                                     Hoa (váy màu đỏ) và các thành viên trong gia đình trong một hình ảnh được chụp vào dịp Tết.

Cả nhà mắc Covid-19


Chia sẻ với Zing, Hoa cho biết người đầu tiên trong gia đình có triệu chứng bệnh là anh chồng của cô. Khoảng đầu tháng 8, anh có những biểu hiện như sốt, ho, mệt và khó thở, tuy nhiên chỉ nghĩ là viêm họng thông thường nên không xét nghiệm Covid-19.

Đến giữa tháng 8, khi lần lượt các thành viên trong nhà đều xuất hiện tình trạng tương tự, Hoa mới báo tình hình đến trung tâm y tế phường để nhờ đến nhà xét nghiệm.

                                                             Chuyến xe đưa gia đình Hoa đến bệnh viện dã chiến.


"Ngày 19/8, nhân viên y tế đến nhà test nhanh và khẳng định cả gia đình tôi đã dương tính. Mẹ chồng tôi đã 65 tuổi và có bệnh nền, bà đi lại không được nhanh nhẹn. Tôi sợ hãi tình huống xấu nhất sẽ xảy ra", Hoa nói.

2 ngày sau, khi có kết quả xét nghiệm PCR, gia đình Hoa được thông báo rằng phải vào bệnh viện dã chiến để theo dõi, cách ly tập trung. Mẹ chồng Hoa xin được tự điều trị tại nhà bởi đi lại khó khăn và không có nhiều triệu chứng, chị Hoa cũng xin ở nhà chăm sóc mẹ.

4 người còn lại vội vã sắp xếp đồ đạc, xác định tinh thần chiến đấu với Covid-19 xa nhà.

"Chúng tôi chọn cách ly tập trung vì nghĩ rằng vào viện sẽ an tâm hơn, nếu bệnh tình trở nặng cũng có y bác sĩ hỗ trợ. Chồng tôi khi đó sốt cao liên tục và mất khứu giác. Tôi, anh chồng và cháu lại bị ớn lạnh vào mỗi chiều tối, ho rất nhiều", Hoa kể.

Tại bệnh viện dã chiến, Hoa mệt lả bởi những cơn ho kéo dài. Cô được chỉ định chụp X-quang phổi và sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ. Dẫu vậy, tâm lý của cô lại ổn định và bình tĩnh hơn nhiều so với ở nhà.

                                                               Phòng dành cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 2.


Phòng bệnh của Hoa gồm 5 người, mỗi người được bố trí một giường xếp, những đồ dùng cá nhân như gối, mền, xà bông, gói mạng Internet… đều phải tự chuẩn bị.

Hàng ngày, các bệnh nhân đều được tình nguyện viên mang đến 3 suất ăn theo khung giờ sáng, trưa và tối, nước uống có sẵn tại cây lọc, người bệnh sử dụng cốc cá nhân để lấy nước.

Các bác sĩ sẽ chỉ định một người bệnh làm trưởng phòng và liên hệ chủ yếu với người này để hỏi thăm về tình hình từng người. Bệnh nhân được kiểm tra, theo dõi các chỉ số sức khỏe 2 lần/ngày, nếu ai có triệu chứng trở nặng sẽ được hỗ trợ thuốc và theo dõi kỹ càng hơn.

"Ai đó nói ở khu cách ly bất tiện nhưng tôi lại không thấy như vậy. Các bữa ăn của chúng tôi được đổi món liên tục. Ở nhà tôi còn phải lo lắng chuyện ăn uống chứ trong bệnh viện không cần suy nghĩ gì.

Mẹ và chị tôi ở nhà được tổ dân phố và lối xóm hỗ trợ thực phẩm. Trong những lúc nguy cấp thế này, quý giá nhất là tình làng nghĩa xóm", Hoa nói.

                                          Hoa được phát 3 suất ăn mỗi ngày, ngoài ra còn được nhân viên y tế tặng cà phê, bánh ngọt ăn vặt.


Tinh thần


Ngày 30/8, vợ chồng Hoa, anh chồng và cháu được xuất viện về nhà. Các thành viên trong gia đình vẫn phải tự cách ly trong phòng riêng 14 ngày, đeo khẩu trang tại những nơi sinh hoạt chung và không được ăn uống cùng nhau.

Mẹ và chị của Hoa vẫn đang chờ lực lượng y tế đến nhà để xét nghiệm lại, dù chưa có kết quả khẳng định âm tính tuy nhiên sức khỏe đã ổn định.

Đến thời điểm cả gia đình đã bình phục, Hoa mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

"Giờ tôi mới có thể tự tin hơn, không còn lo lắng như trước. Nhớ những ngày mới mắc bệnh, cả nhà tôi lo lắm. Tôi phải động viên mọi người rằng nhiều gia đình khác cũng mắc Covid-19, sau ít ngày đã khỏi bệnh.

                                                             Theo Hoa, khu cách ly, bệnh viện dã chiến không hề bất tiện.


Tôi cũng bỏ qua hết những tin tức tiêu cực trên mạng xã hội, chỉ đọc và kể cho cả nhà về những tin vui, tích cực mà thôi. Tôi nhận ra tinh thần lạc quan cũng chính là liều thuốc để điều trị bệnh", Hoa nói.

Theo Hoa, Covid-19 không quá nghiêm trọng và đáng sợ nếu như người bệnh nhanh chóng xét nghiệm sớm và có phương pháp cách ly, điều trị đúng.

Trong trường hợp nhà không đủ điều kiện cách ly riêng biệt, F0 cần liên hệ lực lượng y tế để được cách ly tập trung sớm nhất bởi bệnh lây nhiễm chéo rất nhanh, rất dễ ảnh hưởng đến người thân trong gia đình.

Ngoài ra, đối với Hoa, khu cách ly tập trung hay bệnh viện dã chiến đều khá dễ chịu, không giống như những gì mọi người lo lắng như thiếu thốn vật chất, mất vệ sinh, không gian chật chội.

"Vào viện rồi tâm lý của tôi mới ổn định hơn. Thật sự rất nhiều người sợ cách ly tập trung nhưng riêng tôi lại có một cái nhìn khác", Hoa nói.

Theo Zing