Megan, một người phụ nữ 30 tuổi đến từ vùng nông thôn bang Nebraska, cảm thấy phân vân khi chưa tiêm vaccine Covid-19, theo The Guardian.
Người phụ nữ này lo rằng lỡ bản thân dương tính với nCoV, cô sẽ lây nhiễm sang con gái chưa đầy 2 tuổi của mình, nhất là khi đứa trẻ có tiền sử nhập viện vì các vấn đề về phổi.
Megan cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ con gái, nhưng đồng thời cô không muốn giữ bí mật với chồng - người kiên quyết cùng mẹ chống lại vaccine bởi lý do chính trị.
Tỷ lệ người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 dần tăng lên, nhưng vẫn chưa đủ để đối phó với làn sóng dịch mới. Ảnh: Sergio Flores.
Trong lúc tìm cách vừa bảo vệ bản thân và con gái, vừa né tránh xung đột gia đình, Megan thừa nhận sự phụ thuộc vào các thuyết âm mưu đến từ bạn bè và mạng xã hội của chồng cô khiến anh càng khó tin tưởng vào vaccine, đặc biệt lúc này.
Trong bối cảnh biến thể Delta lây lan mạnh, gây nên làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại Mỹ, một số cá nhân vẫn kiên quyết không tiêm chủng.
Có nhiều lý do khiến họ từ chối nhận vaccine, song hầu hết đều dẫn đến hậu quả chung: mối quan hệ giữa họ với các thành viên còn lại trong gia đình, những người có quan điểm trái ngược, trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Đối lập quan điểm với người thân
Brianna (31 tuổi), một người làm nghề tự do và là mẹ của 4 đứa con ở St Paul (bang Minnesota), lớn lên trong gia đình đề cao sự tử tế và tôn trọng người khác.
Tuy nhiên, quyết định không tiêm vaccine Covid-19 của cha mẹ cô đã đánh bay các giá trị mà cô được nuôi dạy từ nhỏ.
“Cảm giác như lòng tin của tôi dần bị mai một mà không dễ gì sửa chữa lại được”, Brianna chia sẻ.
Một số cuộc biểu tình chống vaccine vẫn diễn ra trên khắp xứ cờ hoa. Ảnh: David McNew.
Trước đại dịch, hai vợ chồng Brianna thường nhờ cha mẹ cô chăm sóc các con để làm việc. Song kể từ tháng 3/2020, cô từ chối một số hợp đồng để có thời gian ở nhà với 4 đứa trẻ trong khi chồng ra ngoài làm việc.
Giờ đây, các con của Brianna đã trở lại trường học. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến thể Delta hoành hành, hai vợ chồng cô tranh luận xem có nên tạm dừng gửi con sang cho ông bà chăm sóc không.
“Tôi rất đau lòng khi phải thành thật với cha mẹ. Trong khi đó, họ quan niệm rằng ‘sống chết có số’. Là một người không muốn mất cha mẹ hoặc chứng kiến họ lâm bệnh nặng, tôi chán nản vô cùng”, Brianna chia sẻ.
Đối với Renae, một phụ huynh 31 tuổi ở Charleston (bang South Carolina), xung đột gia đình chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội. Đó là nơi chị gái cô gửi vô số tin nhắn, hình ảnh quảng bá các thuyết âm mưu vô căn cứ về đại dịch và vaccine Covid-19.
Renae đã từ bỏ việc tranh cãi với chị gái, nhưng vẫn yêu cầu người này hãy ngừng chia sẻ tin giả, thuyết âm mưu trên mạng xã hội. Cô không chắc từ nay về sau, hai chị em còn có thể nói chuyện với nhau không.
Kể từ khi bùng phát, đại dịch cướp đi hơn 637.000 sinh mạng ở nước Mỹ. Ảnh: Victor J. Blue/New York Times.
Rachel (34 tuổi), chuyên viên bán hàng ở Nashville (bang Tennessee), cũng rơi vào tình trạng tương tự với anh trai.
“Anh trai tôi tin rằng mình có đủ thông tin về những gì thực sự đang diễn ra trên thế giới, như thể anh ấy được ‘khai sáng’ và mọi người chỉ việc nghe theo thôi, không cần đặt câu hỏi về nó”, cô kể.
Trong quá trình lớn lên cùng nhau, hai anh em Rachel rất thân thiết. Anh bày tỏ sự thương xót, đồng cảm với em gái khi Rachel nhiễm Covid-19 hồi tháng 1. Sau khi hồi phục, vị giác và khứu giác của cô vẫn bị ảnh hưởng phần nào.
Bất chấp điều đó, Rachel vẫn tin tưởng vào các bác sĩ và tiêm vaccine. Quyết định này của Rachel đã tạo khoảng cách giữa hai anh em ruột nhà cô, ít nhất là trong một khoảng thời gian.
“Anh trai tôi rất kiên định với lập trường của bản thân, đồng thời là một người thích cao giọng để bảo vệ quan điểm. Tôi cảm thấy khó tránh khỏi cãi vã với anh ấy. Do đó, tốt nhất là chúng tôi ngừng trò chuyện”, cô chia sẻ.
Mất lòng tin lẫn nhau
Đối với một số khác, né tránh các cuộc xung đột liên quan đến tiêm vaccine không đơn giản.
Richard là một doanh nhân 74 tuổi đã nghỉ hưu, sống ở Milwaukee (bang Wisconsin). Thời gian qua, vợ chồng ông thường cùng 4 cặp khác đi du lịch ngoài tiểu bang mỗi năm một lần.
Tuy nhiên, khi một thành viên gần đây thừa nhận rằng không tiêm vaccine, cả nhóm buộc phải xem xét lại kế hoạch du lịch thường niên của mình.
Cuối cùng, họ thống nhất rằng vì sức khỏe của mọi người, tiêm vaccine là yêu cầu bắt buộc để tham gia kỳ nghỉ dưỡng của nhóm năm nay.
Hơn 1/2 dân số Mỹ hiện đã nhận đủ 2 liều vaccine Covid-19. Ảnh: Robyn Beck/AFP.
Mặc dù cuộc thảo luận diễn ra trong không khí hòa nhã, thân mật, Richard cho biết sự việc lần này đã ảnh hưởng đến truyền thống của nhóm bạn, cũng như lòng tin tưởng họ dành cho nhau.
Bản thân những người né tránh vaccine cũng cảm thấy căng thẳng. Pauline (31 tuổi) đã sống cùng với cha mẹ ở thành phố New York kể từ khi mắc Covid-19 hồi tháng 4. Sau đó, cô quyết định chờ 6 tháng bình phục rồi mới tiêm vaccine.
Đáng chú ý, cô tự đặt ra khoảng thời gian chờ đợi này cho bản thân dựa trên thông tin trôi nổi, không phải theo lời khuyên của chuyên gia y tế. Điều này đã gây ảnh hưởng đến mối quan hệ cha con của cô.
“Cha tôi tin rằng tôi thật điên rồ và ngu ngốc. Chúng tôi cũng cãi nhau liên tục chỉ vì vấn đề này”, cô kể lại.
Quan điểm về vaccine của Pauline cũng gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cô và đại gia đình. Một số họ hàng nhất quyết sẽ không tới chơi nếu Pauline có mặt ở nhà, và cô cũng không được chào đón ở nhà họ.
“Thật chẳng dễ dàng gì”, Pauline thừa nhận.
Ước tính 1/5 dân số Mỹ tin rằng chính phủ cài vi mạch trong vaccine Covid-19 để kiểm soát mọi người, theo YouGov. Ảnh: Alamy.
Trong thời điểm đại dịch vẫn kéo dài, nhiều người thấy kiên quyết hơn với lập trường của họ, bất chấp nguy cơ gây xích mích với người thân, họ hàng.
Đối với bà mẹ một con Megan, bảo vệ con gái là điều ưu tiên của cô lúc này, quan trọng hơn cả những lo ngại về xung đột trong gia đình. Do đó, cô lấy hết can đảm để đặt lịch hẹn tiêm vaccine Covid-19.
“Nếu chồng tôi đề cao quyền được tự đưa ra lựa chọn cho cơ thể của anh ấy thì tôi cũng vậy. Tôi sẽ nói với chồng rằng mình đi tiêm vaccine, rồi hôn một cái lên trán anh ấy trước khi rời đi”, Megan nói.
Theo Zing