Đức giáo hoàng Francis chuẩn bị bước lên bục nói chuyện về gia đình trước giáo dân ở Benjamin Franklin Parkway
Trước gần 2 triệu giáo dân, Đức giáo hoàng Francis đã có bài nói chuyện đầy cảm động về tình thân ái, sợi dây kết nối hạnh phúc và tầm quan trọng của gia đình... Báo Phụ nữ Việt Nam xin lược trích bài phát biểu của Ngài.
“Anh chị em thân mến! Các gia đình thân mến!
Sự hiện diện của mọi người nơi đây là minh chứng mạnh mẽ về tầm quan trọng của gia đình. Một xã hội muốn phát triển tốt đẹp, thịnh vượng phải dựa trên nền tảng những gia đình hạnh phúc... Có một cậu bé từng hỏi tôi rằng: “Thưa cha, Chúa đã làm gì trước khi Người dựng xây thế giới?” Tôi đã trả lời cậu bé đó những điều như tôi muốn nói với các bạn hôm nay: Theo Kinh thánh, điều tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa tạo nên là gia đình. Người đã tạo nên nam giới, phụ nữ và tác hợp họ thành đôi lứa để rồi sinh con đẻ cái, vun tưới cho trái đất ngày càng tăng trưởng. Và gia đình chỉ thật sự là gia đình đúng nghĩa chỉ khi nó mở rộng cửa đón nhận tình yêu thương...
Đức giáo hoàng Francis nói chuyện về tầm quan trọng của gia đình trước giáo dân ở Benjamin Franklin Parkway
Các bạn có biết Thiên Chúa thích điều gì nhất không? Thiên Chúa luôn gõ cửa tâm hồn, gõ cửa những gia đình đoàn kết, tìm đến những gia đình yêu thương nhau, biết nuôi dưỡng và giáo dục con cái thành những công dân tốt, góp phần tạo nên một xã hội thanh bình, phát triển. Gia đình có một “hộ chiếu tuyệt diệu” mà Chúa ban cho để mỗi trái tim con người luôn hướng đến với tình yêu thương vô bờ bến. Rõ ràng có người nói với tôi rằng: “Thưa cha, cha nói vậy vì cha sống độc thân”. Tôi luôn hiểu trong mỗi gia đình có những khó khăn riêng: Trong gia đình, chúng ta có lúc cãi cọ nhau, có khi “đĩa bay” rơi hay chúng ta đau đầu vì chuyện con cái làm, chuyện mẹ chồng, mẹ vợ... Xin mọi người hãy nghĩ rằng trong mỗi gia đình luôn có thánh giá, sau thánh giá là sự phục sinh. Vì điều này, gia đình hãy là nơi tha thứ, là nơi mang lại hy vọng, niềm vui sống cho con người. Và vì con cái, chúng ta đã làm việc chăm chỉ hơn, hướng thiện hơn.
Đôi khi ở nhà (Vatican), tôi gặp nhiều người cộng sự đến làm việc với đôi mắt thâm quầng. Tôi nói chuyện mới biết rằng họ có con 1, 2 tháng tuổi và quấy khóc suốt đêm khiến họ khó lòng chợp mắt. Điều đó cho thấy họ vượt qua khó khăn này đến khó khăn khác chỉ bằng tình thương con. Có thể nói sự căm ghét, bực bội, sự chia rẽ không thắng thế các bước cản trở mà chỉ có tình yêu mới giúp bạn vượt qua khó khăn. Tình yêu là sức mạnh, là niềm vui, là kim chỉ nam dẫn lối cho chúng ta hướng về phía trước.
Đức giáo hoàng Francis hành lễ sau bài nói chuyện
Tôi muốn lưu tâm các bạn đến trẻ em và người già trong gia đình. Trẻ em là tương lai, là động lực sống và là nơi ta đặt bao kỳ vọng. Còn ông bà, cha mẹ mang ký ức của gia đình, là những người truyền lại cho chúng ta niềm tin. Một dân tộc không biết cách chăm lo cho trẻ em và người già là một dân tộc không có tương lai vì nó không có sức trẻ, nó cũng không có ký ức để ta gìn giữ những truyền thống tốt đẹp.
Đức giáo hoàng Francis hôn một em bé trên đường tới dự Đại hội các Gia đình thế giới 2015 tại Philadelphia
Để gìn giữ hạnh phúc gia đình, chúng ta phải tốn rất nhiều công sức. Trong gia đình có lúc tồn tại sự thù hằn, vợ chồng cãi cọ rồi trao cho nhau những ánh mắt dữ dằn hay cha mẹ bực bội vì con cái... Điều đó khó tránh khỏi nhưng tôi chỉ xin trao một lời khuyên nho nhỏ: Đừng bao giờ để một ngày kết thúc trong “chiến tranh” mà phải hòa giải bằng những lời nói ân cần, nụ cười chia sẻ! Chính trong gia đình, chúng ta nên học cách giữ gìn tình cảm giữa các thành viên, học cách đoàn kết và không nên độc đoán, gia trưởng. Chính trong mái ấm gia đình, chúng ta nên học cách đón nhận, hiểu rõ giá trị cuộc sống như là một phúc âm và nhận ra rằng chúng ta cần nhau để tiến về phía trước. Chính mái ấm gia đình là nơi ta nên học cách sống vị tha, thành thật... Hãy bảo vệ gia đình mình vì ở đó, tương lai chúng ta đang tiến bước...
Xin Chúa ban phước lành cho tất cả mọi người!”.
Hàng triệu tín đồ tới dự buổi nói chuyện của Đức giáo hoàng Francis
Đức giáo hoàng Francis ban phước cho một tín đồ tới dự buổi nói chuyện
THU SƯƠNG (dịch)