leftcenterrightdel
 Ngày càng nhiều người Mỹ mua nhà cùng bạn thân để chung sống. Ảnh: Wehearit

Gần bước sang tuổi 50, Marika Pfefferkorn, đồng sáng lập doanh nghiệp riêng và là Giám đốc điều hành một cơ sở giáo dục ở Mỹ, làm điều cô không bao giờ ngờ tới trước đây: dùng chung phòng tắm với một cậu bé 17 tuổi.

Điều này xảy ra khi Pfefferkorn dọn đến sống cùng bạn thân và 2 con của cô ấy từ năm 2016, sau khi người bạn ly hôn.

“Đây là mô hình cùng nuôi dạy con cái, đóng góp kinh tế và hỗ trợ lẫn nhau”, cô nói với Insider.

Bạn của Pfefferkorn sở hữu căn nhà mặt phố có 4 phòng ngủ, 3 phòng tắm ở Minnesota. Bên cạnh trả tiền thuê hàng tháng, cô cũng đầu tư sửa sang nhà cửa và làm vườn.

Hai người đang thảo luận về việc Pfefferkorn có thể sở hữu một nửa ngôi nhà. Họ đều có thể tiết kiệm và hưởng lợi về mặt tài chính từ mô hình này.

“Trong dịch Covid-19, rất nhiều người phải trải qua sự cô lập nhưng tôi thì không. Còn đối với bạn cùng nhà, cô ấy vơi bớt gánh nặng khi có tôi phụ giúp nuôi dạy con cái”, cô nói.

leftcenterrightdel
 Marika Pfefferkorn dọn đến sống chung và giúp bạn thân nuôi dạy con cái. Ảnh: Marika Pfefferkorn. 

Xu hướng gia tăng

Pfefferkorn không phải người Mỹ duy nhất suy nghĩ lại các tiêu chuẩn về quyền sở hữu nhà.

Với giá nhà vẫn ở mức cao và số lượng người độc thân nhiều hơn bao giờ hết, ngày càng nhiều cá nhân cân nhắc chuyển đến sống cùng bạn bè. Xu hướng này gia tăng kể từ đầu những năm 2010 và được quan tâm hơn cả nhờ sự cô lập trong đại dịch cùng giá cả leo thang.

Theo công ty phân tích bất động sản Attom Data Solution, số lượng người cùng mua nhà có họ khác nhau tăng 771% từ năm 2014 đến 2021.

Tỷ lệ thế chấp tăng cao đang góp phần vào xu hướng này. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nỗ lực đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng, một số đợt tăng lãi suất đã giúp đẩy khả năng chi trả nhà ở xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ.

Theo công ty tài chính thế chấp Freddie Mac, lãi suất trung bình của khoản thế chấp có lãi suất cố định trong 30 năm tăng lên 6,7% trong tuần này, cao hơn gấp đôi so với mức được thấy vào năm 2021.

Sierra Thompson, nhà hoạt động vì môi trường, cho biết: “Nếu có thể thoát ra khỏi tư duy chủ nghĩa cá nhân, chúng ta có thể thấy lợi ích của việc cùng sống và làm việc trong không gian chung, đầu tư vào tài sản, tạo nên gia đình với bạn bè. Điều này có ý nghĩa về mặt kinh tế”.

leftcenterrightdel
 Giá nhà vẫn ở mức cao và số lượng người độc thân nhiều hơn bao giờ hết khiến ngày càng nhiều cá nhân cân nhắc chuyển đến sống cùng bạn bè. Ảnh: Freepik. 

Khả năng chi trả và nền kinh tế khiến nhiều người trẻ không còn ước mơ truyền thống là mua nhà. Nó cũng đẩy lùi các chuẩn mực chủ nghĩa biệt lập đã hình thành gia đình hạt nhân ở Mỹ.

Thompson nói rằng hiện nay, xã hội cô lập các mối quan hệ phi truyền thống, đặc biệt là đối với các thành viên của cộng đồng người da đen và LGBT. Đầu tư vào thứ gì đó cùng nhau là cách để đẩy lùi điều đó.

“Chúng ta đang ở thời điểm mà kỳ vọng về thành công của mỗi người rất khác nhau. Với tôi, đó là có tài khoản tiết kiệm, nghỉ hưu, có thể đi du lịch và sống ở nơi bản thân cảm thấy an toàn và được yêu thương”, Pfefferkorn nói.

Nhiều người mua nhà tiềm năng đang chia nhỏ chi phí trong thị trường đắt đỏ và xây dựng tương lai khác

Nick Joyce (22 tuổi), nhà môi giới tại Posh Properties ở Florida, giúp mọi người mua được ngôi nhà đầu tiên. Anh cũng nuôi ước mơ có tổ ấm với bạn thân nhất.

Khi còn nhỏ, hai người luôn nói về ý muốn sống gần nhau khi có gia đình riêng. Ý tưởng mua chung nhà xuất hiện khi Joyce tìm thấy nơi lý tưởng.

“Mua sẽ rẻ hơn so với thuê nhà. Chúng tôi cơ bản vẫn có cuộc sống riêng biệt mà lại thực hiện được ước muốn khi còn nhỏ”, anh nói.

leftcenterrightdel
 Nick Joyce sắp biến ước mơ sống cùng với bạn thân dưới một mái nhà thành hiện thực. Ảnh:Nick Joyce.

Hấp dẫn thế hệ trẻ

Đối với Pfefferkorn, ước mơ tiếp theo là mua ngôi nhà 8 phòng ngủ để ngày nào đó biến thành nhà dưỡng lão chung.

“Mẹ của bạn tôi đang bán căn nhà 8 phòng ngủ. Với vài lần cải tạo, tôi nghĩ đây sẽ là nơi hoàn hảo cho cộng đồng phụ nữ da đen nghỉ hưu. Chúng tôi sẽ chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau khi tất cả già đi”, Pfefferkorn nói.

Daryl Fairweather, chuyên gia kinh tế cao cấp tại công ty môi giới bất động sản Redfin, nói rằng đại dịch đã làm thay đổi những lý tưởng truyền thống về quyền sở hữu nhà và cuối cùng là cách người Mỹ chọn sống.

“Việc hình thành hộ gia đình đang tăng lên trong thời kỳ đại dịch, có nghĩa là ngày càng có nhiều người mua nhà hơn. Một phần của điều đó liên quan đến xu hướng nhân khẩu học. Mọi người kết hôn muộn hơn và sống riêng lâu hơn”, bà nói.

leftcenterrightdel
 Sống chung với bạn thân là giải pháp của nhiều người Mỹ cho tình trạng giá nhà leo thang. Ảnh: Unplash.
  Thật vậy, nhiều người Mỹ đang cân nhắc việc sống chung với bạn bè, theo kết quả của cuộc khảo sát do Redfin thực hiện vào tháng 7. Công ty này đã hỏi 2.000 người trưởng thành ở Mỹ về kế hoạch trả tiền thế chấp hàng tháng như thế nào và nhận thấy rằng 15% được hỏi có ý định sống với ít nhất một người bạn.

Fairweather cho rằng kết quả của cuộc khảo sát là không chắc chắn về tài chính vì lo ngại biến động kinh tế đè nặng lên người mua nhà.

“Tôi chắc rằng với lạm phát và chi phí nhà ở cao hơn, nhiều người đang xem xét cách cắt giảm chi phí. Tìm kiếm bạn cùng nhà chắc chắn là một lựa chọn”, bà nói.

Joyce cho rằng lối sống phi truyền thống là điều đặc biệt hấp dẫn đối với thế hệ trẻ đang định hình lại nền kinh tế.

“Chúng tôi tập trung hơn vào những thứ mà mình yêu thích. Những điều chúng tôi muốn theo đuổi trong cuộc sống của mình rất khác. Thế hệ của chúng tôi có nhiều hoạt động tích cực hơn. Điều đó đi đôi với việc đánh giá cao hơn bạn bè và gia đình hoặc những người giống và khác với bản thân”, anh nói.

Đặc biệt là dựa trên khả năng chi trả, thế hệ trẻ được định hình bởi hàng thập kỷ bất bình đẳng thu nhập và giá nhà cũng như học phí đại học tăng cao. Xu hướng sống chung là tất yếu.

“Tôi đang sống với bạn thân nhất của mình. Tôi không phải trả tiền thuê cho ai khác và bình đẳng về quyền sở hữu trong nhà”, Joyce nói.

Theo zingnews