Giới chức y tế Hàn Quốc kêu gọi tất cả công dân, dù là người khỏe mạnh như Son, đeo khẩu trang để đề phòng nguy cơ lây nhiễm nCoV, khiến mặt hàng này nhanh chóng cháy hàng trên toàn quốc. 

Son, 30 tuổi, quản lý nhà hàng ở Seoul, đã vui mừng khi nhìn thấy hiệu thuốc trong khu vực thông báo sẽ thanh lý ít hàng tồn kho vào lúc 13h ngày 13/3, bởi cả gia đình anh chỉ còn vài chiếc khẩu trang để dùng. Thế nhưng khi anh đến, rất nhiều người đã xếp hàng chờ trước cửa hàng. Số khẩu trang "bốc hơi" chỉ sau vài phút và anh phải ra về tay không.

"Đáng lẽ tôi nên chạy tới đó", Son nói.

Người dân xếp hàng mua khẩu trang bên ngoài một hiệu thuốc ở Seoul hôm 12/3. Ảnh: AP.

Người dân xếp hàng mua khẩu trang bên ngoài một hiệu thuốc ở Seoul hôm 12/3. Ảnh:AP.

Thứ 6 từng là thời điểm tốt nhất để Son có thể tìm mua khẩu trang theo chương trình phân phối của chính phủ Hàn Quốc nhằm chống lại tình trạng thiếu hụt mặt hàng này trên cả nước. Thay vì để các công ty tư nhân tự quyết định việc đảm bảo nguồn cung, chính phủ Hàn Quốc giờ nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ quy trình sản xuất, phân phối cho tới tiêu thụ khẩu trang.

Seoul cũng đề ra chương trình phân phối khẩu trang theo hạn ngạch, trong đó quy định mỗi người chỉ được mua tối đa hai khẩu trang mỗi tuần từ các hiệu thuốc, vào những ngày nhất định trong tuần, tùy vào số cuối trong năm sinh của họ. Người có số cuối của năm sinh là 1 và 6 được mua khẩu trang vào thứ hai, số 2 và 7 mua vào thứ ba, 3 và 8 mua vào thứ tư, 4 và 9 vào thứ năm, 5 và 0 vào thứ sáu. Những người chưa mua được khẩu trang trong tuần có thể chờ mua vào hai ngày cuối tuần.

Chương trình này có thể xem là ví dụ điển hình cho các quốc gia khác nhằm can thiệp vào các ngành công nghiệp quan trọng, góp phần kiểm soát dịch lây lan. Nó cũng là minh chứng cho thấy cuộc chiến chống Covid-19 của Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác với châu Âu và Mỹ, nơi khẩu trang không phải là trọng tâm trong nỗ lực phòng chống dịch của chính phủ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến nghị người khỏe mạnh đeo khẩu trang, cho rằng nó chỉ dành cho y bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 hoặc những người bị hắt hơi và ho.

Tuy nhiên, khi đại dịch lây lan mạnh, ngày càng nhiều người ở các quốc gia phương Tây sử dụng khẩu trang. Trong những ngày đầu dịch bùng phát ở Italy, khẩu trang hầu như chỉ xuất hiện ở phố người Hoa tại Milan. Nhưng giờ đây, khi Covid-19 lây lan nhanh tới mức chính quyền Italy phải áp lệnh phong tỏa toàn quốc, người đeo khẩu trang khi ra ngoài đã trở thành cảnh tượng phổ biến hơn.

Hàn Quốc xem khẩu trang là mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19. Trang web về sức khỏe cộng đồng của quốc gia này đặt hình hai mẹ con đeo khẩu trang làm ảnh chính.

Chính quyền Seoul cũng yêu cầu hơn 23.000 hiệu thuốc bán khẩu trang KF-94, loại khẩu trang tương tự N-95, một phần trong chương trình phân phối khẩu trang quốc gia. Nhờ các chính sách này, giá khẩu trang được giữ ổn định ở mức 1,2 USD mỗi chiếc, giảm 40% so với bình thường.

Với hơn 8.200 người nhiễm nCoV, Hàn Quốc đang dần kiểm soát được Covid-19 sau khi tích cực xét nghiệm quy mô lớn và phong tỏa hàng chục nghìn người, giúp mang đến hy vọng cho các quốc gia khác rằng họ có thể ngăn chặn được dịch bệnh lây lan nhanh này. 

Chương trình phân phối khẩu trang được chính phủ Hàn Quốc kích hoạt từ ngày 9/3, nhưng tới nay chưa mang lại hiệu quả đáng kể để đối phó với tình trạng thiếu hụt trên cả nước. Hàng trăm hiệu thuốc vẫn từ chối bán khẩu trang và nói rằng họ không thể phục vụ lượng khách hàng quá lớn khi chỉ có một hoặc hai nhân viên. Những hiệu thuốc này đã vấp phải làn sóng phẫn nộ, chỉ trích gay gắt từ người dân Hàn Quốc trong lúc dịch Covid-19 chưa được kiểm soát.

"Có vẻ như chúng tôi không phải đang chiến đấu chống nCoV, mà chiến đấu giành giật khẩu trang", Joo Young-sun, một dược sĩ ở Seoul, nói.

Dòng người xếp hàng bên ngoài hiệu thuốc của Joo lên tới 150 người, nhưng cô chỉ được bán 250 khẩu trang một ngày, điều đó đồng nghĩa nó sẽ hết sạch chỉ sau vài phút. Căng thẳng như tăng lên gấp bội.

"Thậm chí chính gia đình tôi cũng không có đủ khẩu trang để dùng", Joo nói.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã yêu cần hạn chế xuất khẩu khẩu trang. Hơn 130 nhà máy sản xuất khẩu trang của quốc gia này bơm ra thị trường khoảng 10 triệu chiếc mỗi ngày, tăng gần 4 triệu so với năng suất bình thường. Nhưng với dân số 52 triệu người, họ sẽ phải sản xuất tối thiểu 15 triệu chiếc mỗi ngày, mức mà chính quyền Tổng thống Moon cam kết đạt được trong thời gian tới.

Các chuyên gia y tế Hàn Quốc cho biết khẩu trang được chính phủ phân phối có thể dùng trong vòng 8 tiếng và một người chỉ nên sử dụng một chiếc mỗi ngày.

"Đây là lựa chọn đỡ tồi tệ nhất, ít nhất là vào lúc này", phát ngôn viên Hiệp hội Dược phẩm Hàn Quốc, nói, nhắc tới giới hạn sử dụng hai chiếc khẩu trang mỗi tuần.

Thậm chí những người may mắn mua đủ hai chiếc khẩu trang mỗi tuần vẫn lo lắng không có đủ để dùng. Shin Soon-young, người phụ nữ 42 tuổi có hai đứa con học cấp một, cho biết 4 người trong gia đình cô phải chia nhau 10 chiếc khẩu trang còn lại. "Chúng tôi phải tái sử dụng chúng", Shin nói.

Nhiều nhà kinh tế nhận định sự can thiệp của chính quyền Tổng thống Moon trong việc phân phối khẩu trang chưa thực sự phù hợp. Chính phủ có thể đóng vai trò chính trong các tình huống khẩn cấp như đại dịch, nhưng chính sách kiểm soát giá hiện nay có thể khiến một số nhà sản xuất không muốn làm việc hết công suất.

"Chính phủ nên có cách tiếp cận bớt áp đặt hơn và để thị trường vận hành theo quy luật của nó", Kim Won-sik, giáo sư kinh tế học tại Đại học Konkuk ở Seoul, cho hay. 

Một số quốc gia khác bị Covid-19 tấn công cũng phải đối mặt với vấn đề về khẩu trang. Tại Trung Quốc, chính quyền một địa phương từng tuyên bố tặng khẩu trang như một loại phần thưởng cho bất kỳ ai tố giác người giấu việc từng tới Hồ Bắc, sau khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên. Tại Mỹ, nơi đại dịch mới trong giai đoạn đầu, nhiều bệnh viện đã cảnh báo tình trạng thiếu hụt khẩu trang nghiêm trọng.

Công nhân sản xuất khẩu trang ở nhà máy Wooil C&Tech ở Pyeongtaek hồi đầu tháng 3. Ảnh: AP.

Công nhân sản xuất khẩu trang ở nhà máy Wooil C&Tech ở Pyeongtaek hồi đầu tháng 3. Ảnh:AP.

Jeong Yoon-seok, chủ hiệu thuốc ở Seoul, tỏ ra thất vọng về quyết định đột ngột của chính phủ trong việc phân phối nhỏ giọt khẩu trang qua các hiệu thuốc. Anh thậm chí không được hỏi ý kiến hay thông báo, mà chỉ biết về chính sách này khi đọc tin tức trên báo chí.

"Tôi chấp hành chỉ vì không muốn mình là người ích kỷ và thực sự muốn khách hàng của tôi mua được khẩu trang họ cần", Jeong nói. 

Theo vnexpress