Học sinh gửi những lá thư tri ân tới thầy cô tại Trường tiểu học Hado ở đảo Jeju, Hàn Quốc ngày 15-5 - Ảnh: KOREA TIMES
Dạy học từng là một nghề được tôn trọng hết mực và giáo viên luôn tự hào về công việc của mình ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong một bài viết đăng hôm nay 15-5 và cũng là Ngày nhà giáo Hàn Quốc, báo
Korea Times công bố: giáo viên Hàn Quốc không vui vào Ngày nhà giáo!
Theo Korea Times, hiện nay gần 9/10 giáo viên xứ kim chi cảm thấy thoái chí vì đối mặt với "bạo lực từ ngữ và thể chất" từ học sinh và phải giải quyết những lời phàn nàn vô lý của phụ huynh.
Một cuộc khảo sát của Liên đoàn các hiệp hội giáo viên Hàn Quốc (KFTA) được công bố đầu tuần này cho thấy 87,4% giáo viên được khảo sát cho biết nhuệ khí của họ đã giảm đi trong năm ngoái. Cuộc khảo sát được thực hiện với 5.493 giáo viên/giảng viên từ mẫu giáo tới đại học.
Tỉ lệ này cao nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, tỉ lệ giáo viên thừa nhận vấn đề trên trong cuộc khảo sát các năm 2009, 2011 và 2015 lần lượt là 55,3%, 79,5% và 75%.
Những bức tranh vẽ về thầy cô được treo trên tường của Trường trung học Shinhyun ở Seoul ngày 15-5 - Ảnh: YONHAP
Hơn một nửa giáo viên thừa nhận nhuệ khí thấp dẫn tới việc họ không còn đam mê với việc giảng dạy cho các học sinh, và rằng họ ngày càng mất niềm tin vào hệ thống giáo dục.
Dữ liệu từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy số vụ học sinh chửi rủa, dùng bạo lực và quấy rối tình dục giáo viên đã tăng 25% so với mức năm 2014. Thậm chí có nhiều trường hợp học sinh đe dọa và làm mất danh dự giáo viên.
Tới 55,5% giáo viên được khảo sát cho biết phần khó khăn nhất trong công việc của họ là giải quyết với những lời phàn nàn từ phụ huynh.
Các giáo viên còn cho biết sự riêng tư của họ bị xâm phạm vì phải nhận liên tiếp các cuộc gọi "không có điểm dừng" từ phụ huynh, có người than phiền, có người hỏi về bài tập của con…, đặc biệt sau giờ học.
Để phần nào giải quyết tình trạng này, các văn phòng giáo dục ở Seoul, tỉnh Nam Gyeongsang và tỉnh Nam Chungcheong của Hàn Quốc có kế hoạch cung cấp cho giáo viện một chiếc điện thoại di động thứ 2, hoặc một số điện thoại thứ 2 để phụ huynh liên lạc chỉ trong giờ làm việc.
"Sự giảm sút trong nhuệ khí của giáo viên đã đi tới mức sụp đổ và cuối cùng có thể khiến họ thờ ơ trong nghề giáo. Các biện pháp để giải quyết vấn đề này cần được đưa ra cấp bách" - một quan chức KFTA kêu gọi.
Theo
Tuổi Trẻ