HỘI HỮU NGHỊ VỚI VIỆT NAM CỦA CHLB ĐỨC:
Giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam với bạn đọc Đức
Cập nhật lúc 23:59, Thứ ba, 16/05/2023 (GMT+7)
Dưới sự hỗ trợ của Hội hữu nghị với Việt Nam của Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức, nhiều cuốn sách về lịch sử Việt Nam, sách văn học đương đại Việt Nam... đã được dịch và xuất bản ở Đức. Thông tin trên được GS Gunter Giesenfeld, Chủ tịch Hội hữu nghị với Việt Nam của CHLB Đức cho biết tại cuộc gặp với Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga vào ngày 16/5 tại Hà Nội. Cuộc gặp nhân dịp ông Gunter Giesenfeld và vợ - bà Marianne Ngo, Tổng Thư ký Hội có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
|
|
GS Gunter Giesenfeld (bìa phải), Chủ tịch Hội hữu nghị với Việt Nam của CHLB Đức tặng Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga cuốn thơ Chế Lan Viên đã được dịch sang tiếng Đức (Ảnh: Thành Luân). |
Theo GS Gunter Giesenfeld, việc dịch thuật văn học Việt Nam là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội. Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã được vợ chồng ông cùng các dịch giả khác dịch sang tiếng Đức, xuất bản ở Đức, trong đó có tác phẩm của Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư... Trong đó, tập truyện "Cánh đồng bất tận" bản tiếng Đức của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã giành giải Literaturpreis 2018 do Hội sách Quốc tế Frankfurt tài trợ. GS Gunter Giesenfeld đang dịch tiểu thuyết "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng.
Với những tác giả Hội đã dịch và xuất bản thành sách, Hội tổ chức các tour đi đến nhiều thành phố của nước Đức tổ chức gặp gỡ bạn đọc. Hàng trăm bạn đọc ham mê văn học Việt Nam đã có dịp tiếp xúc với các tác giả Việt Nam, thêm yêu đất nước và văn học Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội hữu nghị với Việt Nam của CHLB Đức còn phát hành tạp chí Vietnam Kuerier với 3 số/năm, mỗi ấn phẩm dày 80-140 trang. Trong tạp chí này, Hội thường dịch và giới thiệu tác phẩm của các nhà văn Việt Nam, bên cạnh các bài viết về chính trị, xã hội, biến đổi khí hậu...
GS Gunter Giesenfeld mong muốn thời gian tới, Việt Nam có thể tham gia Hội chợ sách quốc tế Frankfurt với tư cách khách mời, qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá văn học và văn hóa Việt Nam tới người Đức và những người biết tiếng Đức. Để chuẩn bị cho việc này cần chuyển ngữ nhiều hơn các tác phẩm văn học Việt Nam và cần có nhiều dịch giả tham gia vào công việc này hơn.
|
|
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm (Ảnh: Thành Luân). |
Đánh giá cao ý tưởng của Hội hữu nghị với Việt Nam của CHLB Đức, Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga cho biết, Hội đã góp phần tạo dựng nền tảng cho quan hệ nhân dân hai nước. Nhờ có vợ chồng GS Gunter Giesenfeld, người dân Đức và những người nói tiếng Đức biết thêm về Việt Nam.
VUFO và Hội hữu nghị Việt Nam - Đức mong muốn mở rộng thêm mạng lưới những người bạn của Việt Nam ở Đức và những người bạn của Đức tại Việt Nam. Chủ tịch Nguyễn Phương Nga hy vọng, Hội hữu nghị với Việt Nam của CHLB Đức có thể mời thêm các bạn trẻ người Đức tham gia Hội hoặc giới thiệu chuyên gia trong những lĩnh vực Việt Nam đang cần.
Thời gian tới, VUFO và Hội hữu nghị Việt Nam - Đức sẽ tăng cường trao đổi thông tin với Hội hữu nghị với Việt Nam của CHLB Đức. Đồng thời hy vọng Hội sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động thúc đẩy giao lưu, hợp tác văn hóa, kinh tế giữa nhân dân hai nước...
Trước đó, ngày 12/5, Đoàn công tác Hội hữu nghị với Việt Nam của CHLB Đức do GS Gunter Giesenfeld làm trưởng đoàn đã thực hiện chuyến công tác và khảo sát tại huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) về một số tiềm năng du lịch, vùng sản xuất cây dược liệu và hạ tầng giáo dục. GS Gunter Giesenfeld hy vọng trong thời gian sớm nhất có thể triển khai một số dự án về du lịch, giáo dục và phát triển vùng cây dược liệu trên địa bàn huyện.
Sau chuyến công tác này, Hội hữu nghị với Việt Nam của CHLB Đức sẽ cố gắng kết nối với các tổ chức khác trong nước Đức để họ biết và đến với Na Hang thực hiện các dự án giúp đỡ người dân huyện vùng cao Na Hang. Đồng thời, GS Gunter Giesenfeld cũng hứa sẽ thực hiện những thước phim tài liệu chân thực để giới thiệu với nhân dân nước Đức về hình ảnh đất và người huyện Na Hang.
|
Theo thoidai