Nhiều nam giới xứ kim chi cho rằng nếu phụ nữ muốn được đối xử bình đẳng, họ nên phục vụ trong quân đội trong vòng 2 năm giống như toàn bộ đàn ông nước này, theo The Korea Herald.

Trong khi đó, phụ nữ Hàn cho rằng quan niệm như trên là phi lý và "đáng ghê tởm". Cả hai bên gần như không thể tìm được tiếng nói chung, đã dẫn đến những cuộc tranh cãi gay gắt trên không gian mạng.

Giáo sư Koo Jeong-woo của Đại học Sungkyunkwan cho biết: "Đây là những xung đột về giới được tích tụ trong nhiều năm. Và một số chính trị gia đang làm trầm trọng thêm vấn đề khi nỗ lực lấy lòng những người đàn ông trẻ tuổi bảo thủ".

                                                                                   Nghĩa vụ quân sự bắt buộc với nữ gây tranh cãi ở Hàn Quốc. Ảnh: Getty.


Tháng 4 vừa qua, đại biểu quốc hội Park Yong Jin gây chú ý khi đề xuất nghĩa vụ quân sự bắt buộc với phụ nữ để thúc đẩy bình đẳng giới.

Ngay sau đó, một bản kiến nghị trực tuyến đề nghị phụ nữ phải nhập ngũ có 3.000 chữ ký tán thành đã được gửi tới văn phòng Tổng thống Moon Jae-in hôm 18/5.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Bình đẳng giới và gia đình, Chung Young Ai, đã chỉ trích lập luận của ông Park "có vấn đề". "Nghĩa vụ quân sự bắt buộc với nữ giới không xuất phát từ mục tiêu bình đẳng giới mà là từ yêu cầu phụ nữ phải trải qua những bất lợi giống đàn ông", bà Chung nói.

Tại Hàn Quốc, nghĩa vụ quân sự bắt buộc có thể mang đến cho nam giới một số lợi ích sau khi hoàn thành. Vì vậy, phụ nữ có thể gặp bất lợi trên thị trường lao động.

Khoảng cách lương giữa hai giới ở xứ kim chi cũng được xếp vào nhóm lớn nhất trong các nước phát triển.

"Theo cách nhìn nhận thông thường, nam giới trải qua sự vất vả khi phục vụ trong quân đội và họ được tạo điều kiện tốt hơn sau đó. Tuy nhiên, điều này không nên là lý do biện minh cho việc phân biệt đối xử với người không phục vụ trong quân đội như phụ nữ và người khuyết tật", bà Chung nói.

Người đứng đầu Bộ Bình đẳng giới và gia đình cho rằng thay vì tranh luận phụ nữ có nên nhập ngũ hay không, người Hàn phải tập trung giải quyết các vấn đề dai dẳng như chênh lệch thu nhập, tỷ lệ sinh thấp và phân biệt giới tính.

Theo Zing