Các thành viên thuộc Đơn vị các tình trạng khẩn cấp quân đội (UME) làm nhiệm vụ tại một cơ sở y tế ở Barcelona, Tây Ban Nha tuần này - Ảnh: AFP
Đây là số ca tử vong tăng thêm trong một ngày kỷ lục ở hai quốc gia châu Âu này từ đầu mùa dịch. Nước Ý có tổng cộng hơn 9.000 ca tử vong, còn Tây Ban Nha có hơn 5.500 ca tử vong, lần lượt xếp thứ nhất và thứ hai thế giới xét về số ca tử vong do COVID-19.
Tuy nhiên, người ta nhận thấy có một sự "bất thường" ở châu Âu: số ca tử vong ở Đức chỉ bằng 1/22 của Ý và 1/14 của Tây Ban Nha.
3 nguyên nhân chính
Giới chuyên gia cho rằng số người già đông, hành vi xã hội và hệ thống y tế yếu kém đã dẫn tới số ca tử vong cao như vậy.
Theo Đài Al Jazeera, nguyên nhân thu hút nhiều sự chú ý nhất được đăng trên truyền thông Tây Ban Nha chính là tình trạng hệ thống y tế công của nước này có "các nguồn lực kiệt quệ và không đều" để đối phó dịch COVID-19 hoặc thậm chí dịch bệnh do bất kỳ loại virus nào khác gây ra.
"Khi số ca nhiễm tăng nhanh, như với trường hợp Tây Ban Nha, nếu các nguồn lực con người và vật tư để chống dịch không được đảm bảo thì tác động sẽ nghiêm trọng hơn. Điều đó sẽ dẫn tới nhiều ca tử vong ở những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đặc biệt khi nhân viên y tế cũng nằm trong số những người bị nhiễm" - giáo sư Silvia Carlos Chilleron tại Đại học Navarra ở Tây Ban Nha nhận định.
Đây không phải là lần đầu tiên Tây Ban Nha gặp vấn đề thiếu vật tư chống dịch. Điều này cũng từng xảy ra năm 2014, khi các nhân viên y tế tại Madrid tổ chức biểu tình để phản đối tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ và các biện pháp phòng ngừa giữa dịch Ebola.
"Chúng ta có thể thấy được hệ thống y tế công đã có một số lỗ hổng lớn trong việc phát hiện sớm các ca nhiễm và đây là những yếu kém về cấu trúc" - nhà nghiên cứu xã hội học Jose Hernandez tại Đại học Cordoba ở Tây Ban Nha đánh giá.
Ông Hernandez cho biết nguyên nhân khác là "mức nhận thức thấp của người dân nói chung". Ông cũng nói thêm hiện Tây Ban Nha có dân số già đông và đây là nhóm dễ chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Còn giáo sư Alberto Mataran tại Đại học Granada cũng chỉ ra mật độ dân số cao ở những thành phố như Madrid sẽ khiến dịch lây lan nhanh.
Khác biệt ở Đức
Đức có 53.340 ca nhiễm nhưng số ca tử vong chỉ dừng ở hàng trăm, cụ thể là 395 ca giữa ngày 28-3, với tỉ lệ tử vong chỉ 0,74%.
Theo trang Business Insider, dường như yếu tố quan trọng nhất giúp tỉ lệ tử vong ở Đức thấp chính là việc Đức tăng cường xét nghiệm cho nhiều người dân hơn bất kỳ nước nào khác ở châu Âu, từ đó có các biện pháp đối phó sớm. Christian Drosten, giám đốc Viện virus học tại Bệnh viện Charité ở Berlin, cho biết ước tính Đức xét nghiệm hơn 120.000 người một tuần.
Đức còn được đánh giá có một hệ thống y tế toàn diện và trong tình trạng tốt để chống dịch. Theo World Bank, Đức chi 4.714,26 USD/người mỗi năm cho chăm sóc sức khỏe, cao hơn hầu hết nước khác. Đức có số giường bệnh bình quân đầu người cho các trường hợp nguy kịch nhiều thứ hai ở châu Âu. Cụ thể, Đức có 621 giường cho 100.000 người, còn Ý có 275 giường và Tây Ban Nha có 293 giường.
"Nói chung, vấn đề chăm sóc tích cực (dành cho các ca nguy kịch) ở Đức khá tốt. Chúng tôi sở hữu các cơ sở và y bác sĩ có chuyên môn cao và có thể đó là một phần nguyên nhân giúp các bệnh nhân nguy kịch của chúng tôi sống sót so với bệnh nhân ở các nước khác" - nhà virus học người Đức Martin Stürmer chia sẻ với trang Vox.
Theo tạp chí Wired, tuổi trung bình của các ca bệnh COVID-19 ở Đức là 46, còn ở Ý là 63. Đầu tuần này Viện Robert Koch ở Đức cho biết 80% bệnh nhân COVID-19 ở Đức nhỏ hơn 60 tuổi. Điều này cho thấy nhìn chung người già ở Đức đã tránh được việc nhiễm bệnh. Ở Tây Ban Nha, số người nhiễm bệnh trên 60 tuổi là khoảng 50%.
Về biện pháp, Đức thực hiện nhiều biện pháp khắt khe như cấm tụ tập ở nơi công cộng nhiều hơn 2 người hay phạt tiền những trường hợp phá luật. Hôm 27-3, Bộ Nội vụ Đức còn đề xuất y tưởng theo dõi vị trí người dân thông qua điện thoại di động để phát hiện những trường hợp đã tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.
Theo tuoitre