Chị Trần Thị Tâm (áo hồng) trong một lần hoạt động thiện nguyện - ẢNH: NVCC

 Năm 2002, anh Nguyễn Văn Đức cùng vợ là chị Trần Minh Tâm đứng ra thành lập Hội từ thiện mang tên "Lá lành đùm lá rách". Lúc đầu, chỉ có vợ chồng anh thực hiện tất cả các khâu: từ việc đi tìm hiểu, phát hiện những trường hợp đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ, rồi tự bỏ kinh phí (trích một phần tiền lương của hai vợ chồng) cho đến tổ chức thăm viếng, trao quà, ủng hộ vật chất, động viên tinh thần cho nhiều trường hợp khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Dần dần tiếng lành đồn xa, đến nay Hội từ thiện "Lá lành đùm lá rách" đã tập hợp được 20 hội viên với nhiều thành phần trong xã hội: từ cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH cho đến các tiểu thương, người chạy xe ôm, xích lô… Tuy mỗi người khác nhau về công việc, địa vị xã hội, kinh tế gia đình, tuổi tác nhưng tất cả có chung tấm lòng nhân ái và trái tim đầy tình yêu thương.

Với phương châm hoạt động: “Làm việc nghĩa chớ tính điều hơn thiệt”, hội từ thiện do hai vợ chồng anh Đức sáng lập ngày càng có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng, tập hợp ngày càng nhiều những nhà tài trợ, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước để cùng chung tay góp sức, chia sẻ những khó khăn, đau thương, mất mát của những con người bất hạnh, kém may mắn trong cuộc sống và cấp học bổng cho học sinh nghèo nhằm khuyến khích các em vượt qua khó khăn để vươn lên. Đã có nhiều chương trình ý nghĩa, nhiều hoạt động thiện nguyện mang giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc mà Hội từ thiện "Lá lành đùm lá rách" thực hiện trong nhiều năm qua.

Anh Nguyễn Văn Đức (bìa phải) trao quà cho một bệnh nhân ung thư ở Huế - ẢNH: NVCC

Có thể kể đến chương trình “Chiếc áo tình thương cho học sinh vùng sâu A Lưới”- thu gom một số vật dụng như áo quần cũ, giày dép, sách vở, bút chì, bút mực cho đến gạo, mì tôm… để giúp đỡ những trẻ em nghèo, các học sinh của các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở các xã Hồng Vân, A Roàng của huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế); chương trình “Tặng quà tết Nguyên đán” đem lại nụ cười, niềm hạnh phúc cho học sinh nghèo ở một số địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế; cấp phát hàng trăm suất quà như gạo, mì tôm cho những người có hoàn cảnh bất hạnh, gia đình neo đơn, người già không nơi nương tựa được hưởng một cái tết cổ truyền của dân tộc ấm cúng, an vui ở khu tái định cư Kim Long, thôn An Ninh Thượng - phường Hương Long và khu vực cầu Đông Ba, cầu Gia Hội (TP.Huế), các hộ nghèo ở huyện Phú Lộc, huyện Phong Điền và huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế).

Bên cạnh đó, Hội từ thiện của anh Đức cũng đã trao tặng máy lọc nước trị giá 4,5 triệu đồng cho thầy giáo tật nguyền Nguyễn Trai ở thôn Thanh Lam, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế); trao 500 suất quà tết Trung thu gồm sữa, bánh kẹo, chăn ấm và tiền mặt cho các cháu ở Trung tâm Ung bướu của khoa Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế) và các học sinh ở Trung tâm bảo trợ xã hội Mái ấm Hy vọng Nguyệt Biều (TP.Huế) với tổng số tiền là 30 triệu đồng…  Em Lê Hữu Hà (12 tuổi) ở mái ấm Hy vọng xúc động nói: “Cháu cảm ơn chú Đức và các cô chú trong đoàn đã đem đến cho các cháu một cái tết Trung thu ấm áp và vui nhộn. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng tám âm lịch là chúng cháu lại háo hức chờ hội của chú Đức lên trao quà”.

Anh Nguyễn Văn Đức trong một lần đến trao quà cho học sinh nghèo hiếu học ở trường THCS Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) - ẢNH: NVCC

Năm 2018, Hội từ thiện "Lá lành đùm lá rách" do anh Đức làm Hội trưởng đã tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn, những trường hợp bị ung thư, trọng bệnh và cấp phát học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế với tổng kinh phí hơn 45 triệu đồng. Năm 2019, Hội tiếp tục tặng quà cho người nghèo và trao học bổng cho học sinh, sinh viên với trị giá trên 40 triệu đồng. Có được thành quả bước đầu như vậy, trước hết là nhờ sự tâm huyết với công tác thiện nguyện của đôi vợ chồng "thuyền trưởng" là anh Nguyễn Văn Đức và chị Trần Thị Tâm. Thế mới biết, một khi tâm đã sáng, ý đã trong, lòng đã hướng thiện thì chắc chắn “không gì là không thể”.

Anh Nguyễn Văn Đức tâm sự: “Được gặp gỡ, tiếp xúc với các em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo, bệnh tim bẩm sinh, các cháu học sinh bị đa khuyết tật, bị bệnh Down, câm điếc, tự kỷ, tăng động và những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác, bản thân tôi vô cùng xúc động và cảm nhận, chia sẻ sâu sắc những thiệt thòi mà các em đang chịu đựng. Từ đó tôi tự nhủ lòng mình phải gắng sức theo đuổi con đường thiện nguyện, góp phần an ủi những mảnh đời bất hạnh ấy”. Còn chị Tâm chia sẻ: “Ngẫu nhiên trời gắn kết cái tên cho hai vợ chồng mình là Tâm - Đức, nên làm việc gì vợ chồng mình cũng luôn đặt cái tâm lên hàng đầu, dùng “Đức Lưu Quan” để tích phúc cho con cháu sau này…”.

Theo thanhnien