Vài tháng trước đây, Hàn Quốc từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tôn vinh là một trong những hình mẫu hiếm hoi kiểm soát thành công dịch bệnh.
Chiến lược kết hợp giữa xét nghiệm quy mô lớn, truy vết nguồn lây nhiễm và cách ly người tiếp xúc gần giúp Hàn Quốc giảm số ca lây nhiễm xuống dưới 100 trường hợp mỗi ngày, dù chưa từng phong tỏa đất nước.
Nhưng sau 8 tháng, những thành công ban đầu đang biến mất. Hàn Quốc đứng trước bờ vực mất kiểm soát, có khả năng đối diện với làn sóng lây nhiễm không thể ngăn chặn, khi những ổ dịch mới liên tiếp xuất hiện.
Hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày
Hôm 13/12, Cơ quan Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) xác nhận 1.030 ca nhiễm Covid-19 mới. Số ca nhiễm giảm xuống dưới 800 hôm 14/12 do ít xét nghiệm hơn vào cuối tuần. Đến ngày 15/12, con số lại tăng lên 880.
Với tỷ lệ lây nhiễm như hiện nay, nhà chức trách Hàn Quốc cảnh báo nước này sẽ sớm chứng kiến số ca nhiễm mới đến 1.200 ca mỗi ngày.
Đại đô thị Seoul là nơi sinh sống của khoảng 50% dân số đất nước, tương đương 26 triệu người. Người dân thành phố này đang chuẩn bị đối mặt với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn, trong bối cảnh số ca nhiễm mới bùng nổ còn nỗ lực lần theo các nguồn lây bệnh đang tỏ ra hụt hơi.
Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Hàn Quốc tăng mạnh trở lại. Nguồn: KDCA.
Tới ngày 15/12, KDCA xác nhận tổng cộng 44.363 ca nhiễm virus corona, trong đó 600 người đã tử vong.
Con số này thấp hơn rất nhiều so với 56.000 ca tử vong tại Anh, nước có quy mô dân số tương đương với Hàn Quốc.
Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc cảnh báo việc thất bại trong ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát có thể buộc nước này nâng các biện pháp hạn chế lên cấp độ 3 - mức cao nhất.
Điều này đồng nghĩa nền kinh tế lớn thứ 4 của châu Á sẽ bước vào giai đoạn phong tỏa "mềm" lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Biện pháp hạn chế cấp độ 3 sẽ cấm mọi hoạt động tập trung quá 10 người. Các phương tiện giao thông công cộng được phục vụ tối đa 50% sức chứa. Người lao động được yêu cầu làm việc từ xa, trừ các hoạt động thiết yếu.
Các trường học tại khu vực Seoul đã được yêu cầu đóng cửa trong vòng một tháng kể từ ngày 15/12. Số ca xét nghiệm mỗi ngày tăng từ 16.000 trong tháng 9 lên 22.000. Các bữa tiệc cuối năm - những hoạt động có thể trở thành sự kiện siêu lây nhiễm - đều bị cấm.
Mất cảnh giác quá sớm
Sau gần một năm bắt buộc đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và cách ly các cá nhân có nguy cơ nhiễm bệnh thông qua công nghệ theo dõi tiếp xúc, người dân Hàn Quốc bắt đầu mất cảnh giác.
"Trong khi phần lớn người dân gạt đi những bất tiện và tuân thủ luật lệ, sự bất cẩn và vô trách nhiệm của một vài cá nhân khiến virus lây lan mạnh hơn", Thủ tướng Chung Sye Kyun nói trong một chương trình phát sóng trực tiếp ngày 15/12.
Ông Chung cho biết áp dụng các biện pháp hạn chế cấp độ 3 là phương án cuối cùng, bởi nó sẽ để lại "tổn thương không thể đảo ngược" cho nền kinh tế của đất nước.
Hàn Quốc tái siết chặt các biện pháp chống dịch. Ảnh: Yonhap.
Nhà chức trách Hàn Quốc phát hiện nhiều trường hợp vi phạm giãn cách xã hội, như các nhà thờ hay hoạt động kinh doanh giải trí về đêm. Bên cạnh đó, những buổi tụ tập gia đình, bạn bè cũng là nguyên nhân của hơn 20% các ổ dịch mới được phát hiện gần đây.
Một số chuyên gia nhận định Hàn Quốc đang trả giá sau khi chính phủ quyết định nới lỏng "quá sớm" các biện pháp hạn chế vào mùa thu.
"Chính phủ thay đổi chính sách chống dịch vào tháng 10, và giờ họ phải mạnh tay thực hiện biện pháp hạn chế bởi các ca lây nhiễm đã lan rộng", Eom Joong Sik, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Gachon, Incheon, nói.
Ông Eom cho biết việc nới lỏng biện pháp hạn chế quá sớm đã tạo cơ hội cho virus lây lan rộng trong các cộng đồng dân cư. Số giường bệnh ở Seoul đang nhanh chóng bị lấp đầy.
Chỉ vài tháng trước, Tổng thống Moon Jae In còn được truyền thông tán dương vì phản ứng chống dịch ban đầu phát huy hiệu quả. Nay, chỉ số tín nhiệm của nhà lãnh đạo Hàn Quốc rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Tổng thống Moon Jae In thừa nhận Hàn Quốc "đang ở chân tường". Nhà lãnh đạo đã phải xin lỗi người dân vì không thể ngăn chặn các ca lây nhiễm tăng mạnh thời gian qua.
Lee Seung Du là một cư dân 29 tuổi sống ở Seoul. Anh cho biết đã tránh đi ra ngoài trừ khi thực sự cần thiết, và luôn phải đeo loại khẩu trang đắt tiền nhất có thể mỗi khi không ở trong nhà.
"Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi lại nhìn thấy số ca lây nhiễm gia tăng. Mới vài tuần trước, chính phủ khoe khoang về các biện pháp hạn chế được cả thế giới ca ngợi. Tôi không thể tin họ có thể chơi đùa với mạng sống của người dân chỉ vì một vài chiêu PR", Lee nói.
Park Young Joo, một cư dân 78 tuổi sống tại Gyeonggi, gần thủ đô Seoul, cho biết người dân đang ngày một lo lắng.
"Tôi cố gắng ở trong nhà nhiều nhất có thể. Nhưng bởi tôi sống cùng gia đình con trai nên tôi sợ sẽ bị lây nhiễm từ chúng", bà Park nói.
Theo Zing