Y tá chăm sóc trẻ sơ sinh trong một bệnh viện ở Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
Chính phủ Hàn Quốc hôm 28/8 công bố báo cáo cho thấy tổng tỷ suất sinh (TFR) ở nước này là 0,98, thấp hơn nhiều so với mức lý tưởng để duy trì dân số ổn định (2,1). TFR là số con sinh ra còn sống trung bình trong cả cuộc đời của một phụ nữ.
Chỉ số này biến Hàn Quốc trở thành một trong những nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất trên thế giới. Theo báo cáo, số trẻ sinh ra ở Hàn Quốc năm 2018 giảm 8,7% so với năm 2017, mức giảm mức mạnh nhất được ghi nhận từ năm 1970 tới nay và làm trầm trọng thêm vấn đề già hóa dân số ở quốc gia này.
"Đây là tin xấu cho mục tiêu tăng trưởng dài hạn của chúng tôi. Tỷ lệ sinh thấp cho thấy người dân bi quan với kinh tế tương lai như thế nào", Park Chong-hoon, nhà kinh tế học ở ngân hàng Standard Chartered, cho hay. "Không có cách khắc phục ngắn hạn cho vấn đề này, bởi nó liên quan tới chi phí giáo dục cao, phúc lợi và tài sản".
Suy giảm dân số ở Hàn Quốc có nhiều nguyên nhân như văn hóa làm việc khắt khe và kéo dài nhiều giờ, khiến người dân khó cân bằng sự nghiệp với cuộc sống gia đình.
Trong khi đó, ngày càng nhiều người trẻ nước này hờ hững với việc kết hôn. Nghiên cứu của Viện Sức khỏe và Các vấn đề xã hội Hàn Quốc năm 2018 cho thấy phần lớn người Hàn từ 20 đến 44 tuổi đang sống độc thân. Trong số đó, 51% đàn ông và 64% phụ nữ không muốn kết hôn.
Để khắc phục tình trạng này, Hàn Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp. Năm ngoái, chính phủ nước này giảm số giờ làm tối đa từ 68 xuống 52, đồng thời chi hàng tỷ USD mở các trung tâm chăm sóc trẻ miễn phí. Cha mẹ Hàn Quốc được nghỉ phép một năm ở nhà trông con và được quyền thuê người chăm trẻ do chính phủ đào tạo. Chính quyền Seoul năm ngoái còn đưa ra gói ưu đãi 82 USD cho mỗi ca sinh nở.
Một số trường đại học mở các khóa dạy sinh viên cách hẹn hò, yêu đương trong nỗ lực cải thiện định kiến với tình yêu đôi lứa và kết hôn, thậm chí còn giao bài tập "hẹn hò" cho sinh viên.
Tuy nhiên, những chính sách này tỏ ra không hiệu quả. Nhiều thanh niên Hàn Quốc cho hay họ không có thời gian, tiền bạc hoặc cảm xúc để đi hẹn hò. Ngoài ra, họ còn đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao trong một thị trường việc làm cạnh tranh cao, nghĩa là nhiều người dành thời gian rảnh rỗi ở các trường luyện thi để kiếm thêm chứng chỉ hoặc kỹ năng nghề.
Nhiều người Hàn Quốc không muốn sinh con thứ hai vì chi phí giáo dục quá cao. Học phụ đạo được coi là việc bắt buộc ở Hàn Quốc, với chi phí chiếm tới 10% ngân sách gia đình.
"Một con là đủ với tôi, vì thu nhập chỉ đủ trang trải cho một con. Các ưu đãi và trợ cấp của chính phủ không mấy hữu ích", Lee Jung-woo, 36 tuổi, người Seoul, mới lấy vợ và dự kiến đón con đầu lòng vào tháng 11, cho hay.
Bà mẹ một con Baek Da-som buộc phải nghỉ việc ở một công ty xây dựng lớn để chăm sóc con gái một tuổi và không có ý định sinh thêm con. "Đây là vấn đề phúc lợi. Thật khó để nuôi dạy một đứa trẻ mà không có nhà nước hỗ trợ", cô nói.
Các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc lo ngại nền kinh tế sẽ giảm tốc độ tăng trưởng do già hóa dân số và khủng hoảng nhân khẩu học. Năm 2017, lần đầu tiên số người Hàn Quốc trên 65 tuổi đông hơn số người trong độ tuổi 0-14 và người cao tuổi nước này chiếm 13,6% dân số.
Dù nỗi lo về tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng, nhưng Hàn Quốc vẫn duy trì chính sách nhập cư nghiêm ngặt, không cho phép người lao động nước ngoài di cư cùng gia đình hay xin quốc tịch Hàn Quốc. Các chuyên gia dự đoán vấn đề nhân khẩu học của nước này sẽ tệ hơn trong những năm tới.
"Tỷ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm vì nhiều lý do như kết hôn muộn, chi phí giáo dục và nhà ở cao, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao", Lee Sang-jae, chuyên gia kinh tế của công ty Đầu tư và Chứng khoán Eugene nói. "Chính phủ gặp nhiều hạn chế trong việc đảo ngược xu hướng này".
Theo vnexpress