Chương trình diễn ra tại sân bay quốc tế Soekarno-Hatta. Năng lực tiêm phòng của hãng là 200 du khách nội địa mỗi ngày. Khoảng 20 người đã tiêm vaccine miễn phí trong ngày đầu triển khai.

Cecep Taufiqurohman, 32 tuổi, cho biết: "Vaccine khiến chúng tôi tự tin hơn, song chúng tôi vẫn phải tuân thủ quy định y tế vì chưa được miễn dịch 100%. Nhưng ít nhất chúng tôi đã yên tâm rồi".

Hành khách Rika Fitriani cho biết cô phải chật vật tìm nơi tiêm liều vaccine thứ hai sau khi lỡ lịch hẹn vào tháng 5. Chương trình của Garuda cho phép cô tiêm chủng và có thể đi du lịch trở lại.

"Tôi sợ đám đông trong những ngày này vì có con nhỏ, vậy nên tôi chọn Garuda để có thể được đi nghỉ", cô nói.

Cecep Taufiqurohman, 32 tuổi, được tiêm vaccine Covid-19 tại sân bay quốc tế Soekarno Hatta, Indonesia, ngày 30/6. Ảnh: Reuters

Người dân chủ yếu dùng vaccine Sinovac của Trung Quốc. Trước đó, chương trình tiêm chủng của Indonesia diễn ra chậm chạp. Từ tháng 1 đến tháng 6, 13 triệu trong số hơn 270 triệu người được tiêm đủ hai liều. Nước này ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong ba ngày qua. Giới chức đang xem xét áp đặt biện pháp phong tỏa khẩn cấp để ngăn ngừa virus lây lan.

Ade Susardi, giám đốc Dịch vụ của Indonesia Garuda, bày tỏ: "Chúng ta có thể đạt miễn dịch cộng đồng và đẩy lùi đại dịch".

Tổng thống Joko Widodo hôm 30/6 cam kết tăng năng suất tiêm chủng lên một triệu liều vaccine mỗi ngày vào tháng 7, hai triệu liều vào tháng 8 so với mức hiện nay là 200.000-300.000 liều mỗi ngày.

Đến nay, Indonesia đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 cho 10% dân số, tương đương với 25 triệu người. Trong đó, 13,37 triệu người đã tiêm đủ hai liều.